Từ ngày 24-27/11/2019, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo Chứng khoán (Trung tâm NCKH&ĐTCK) đã tổ chức đoàn đi tìm hiểu kinh nghiệm của Thái Lan trong việc tạo dựng kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-ups); hoạt động huy động vốn qua ICO và phát triển công nghệ tài chính trên TTCK Thái Lan do Ths. Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Trung tâm làm trưởng đoàn. Đoàn đã đến làm việc với các đơn vị: Ủy ban Chứng khoán Thái Lan (SEC); Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET); Hiệp hội Fintech Thái Lan (TFA); Công ty chứng khoán Bualang.
Các nội dung chính của đoàn công tác:
- Tìm hiểu về kinh nghiệm của Thái Lan trong quản lý tài sản số và ICO (phương thức huy động vốn trong đó các token số được chào bán ra công chúng để nhận về tiền mã hóa thông qua việc ứng dụng công nghệ chuối khối): khung pháp lý quản lý tài sản số và ICO; thẩm quyền của SEC trong quản lý tài sản số và ICO; hoạt động của ICO tại Thái Lan hiện nay.
- Tìm hiểu về kinh nghiệm của Thái Lan trong phát triển các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp khởi nghiệp (starp-ups): vai trò của cơ quan quản lý (SEC); sự tham gia của Sở GDCK Thái Lan; huy động vốn cộng đồng (crowdfunding) tại Thái Lan.
- Tìm hiểu về kinh nghiệm của Thái Lan trong triển khai định danh khách hàng điện tử (eKYC).
- Tìm hiểu về phát triển hệ sinh tái Fintech và ứng dụng Fintech trên thị trường chứng khoán ở Thái Lan.
Thông qua chuyến thăm và làm việc tại Thái Lan, đoàn công tác đã thu được nhiều kiến thức quý báu về việc quản lý tài sản số và ICO; về phát triển các kên huy động vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp; về phát triển hệ sinh thái Fintech và đẩy mạnh số hóa các lĩnh vực của thị trường vốn. Từ đó, đưa ra một số đề xuất với UBCKNN:
- Số hóa đã và đang trở thành xu thế tất yếu ở các quốc gia và là một trong những khâu quan trọng để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Ở Việt Nam, Tuy nhiên, trước khi đạt được thành công ở quy mô quốc gia, nó cần được triển khai tích cực ở mỗi ngành, lĩnh vực với vai trò định hướng, dẫn đầu của cơ quan quản lý ngành/lĩnh vực đó và lĩnh vực chứng khoán không phải là một ngoại lệ. Trong quá trình này, Fintech và các doanh nghiệp Fintech được xem là một nhân tố quan trọng có khả năng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực có phạm vi bao trùm rộng, với nền tảng là nhiều công nghệ mới, có tốc độ thay đổi nhanh chóng, trong đó có cả những công nghệ mà khả năng ứng dụng và tác động tiềm tàng của nó đối với thị trường còn chưa được hiểu và kiểm soát một cách đầy đủ. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu, thử nghiệm về công nghệ và các trường hợp ứng dụng (use-case) của công nghệ đó cần được thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên, có sự đầu tư bài bản và thích đáng về nguồn lực (thời gian, con người và tài chính).
- Khung khổ pháp lý cho TTCK trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của Fintech cần đảm bảo bảo vệ tốt nhà đầu tư song không làm hạn chế động lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Với điều kiện như vậy, việc tăng cường hợp tác, phối hợp giữa UBCKNN và các tổ chức kinh doanh chứng khoán (thông qua các hội thảo, tọa đàm/đối thoại, tham vấn ý kiến; phối hợp trong nghiên cứu, thử nghiệm...) sẽ giúp cơ quan quản lý xử lý tốt thông tin theo hai chiều và nâng cao hiệu quả trong thiết kế khung khổ pháp lý và quản lý.
- Đối với những lĩnh vực mới và biến đổi nhanh chóng như Fintech và ứng dụng của Fintech trên thị trường chứng khoán, khung pháp lý hiện tại có thể không còn phù hợp và cần phải được điều chỉnh hay thiết kế mới. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có thời gian, trong khi các hoạt động, thậm chí là các sản phẩm/dịch vụ tài chính liên quan đến Fintech vẫn xuất hiện trên thị trường và được giới thiệu đến công chúng đầu tư. Với vai trò bảo vệ nhà đầu tư, cơ quan quản lý trước hết cần cung cấp cho nhà đầu tư các kiến thức, công cụ để họ hiểu được những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng dịch vụ hoặc đầu tư vào các sản phẩm đổi mới sáng tạo; đồng thời nhận diện được những sản phẩm, dịch vụ có tính lừa đảo, gian lận. Điều này đặt ra yêu cầu phải tiến hành thường xuyên, liên tục các chương trình truyền thông, phổ cập kiến thức từ những nguồn chính thống (của cơ quan quản lý) về Fintech và các khả năng ứng dụng của Fintech (ưu, nhược điểm và khung khổ pháp lý, quản lý, giám sát hiện tại) nhằm nâng cao nhận thức cho thị trường và công chúng đầu tư, cũng như đưa ra những cảnh báo gián tiếp nếu cần thiết.
Nguồn: Phòng QLNCKH, SRTC