Trang chủ >

Giới thiệu

Quá trình phát triển

          Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán là mục tiêu đã được Đảng và Chính phủ định hướng từ đầu những năm 1990. Đến năm 1996, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được thành lập với nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời thị trường chứng khoán, đồng thời tổ chức và quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Ngay sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đi vào hoạt động (tháng 7/1997), nhận thức được tầm quan trọng của xây dựng luận cứ khoa học phục vụ hoạch định chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chứng khoán, nâng cao nhận thức về chứng khoán cho đông đảo người dân đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán, ngày 5/12/1997, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định 1038/QĐ-TTg về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Bồi dưỡng nghiệp vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán (tên gọi ban đầu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán ngày nay) với hai nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực chứng khoán và tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ngày 5/12/1997 đã trở thành dấu mốc quan trọng đối với Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán (Trung tâm), Thị trường chứng khoán Việt Nam có một đơn vị độc lập để tổ chức nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường phát triển.

  • Những năm đầu thành lập:

+ Năm 1998, nền móng ban đầu cho sự ra đời và phát triển của Trung tâm đã được xây dựng với đội ngũ cán bộ, viên chức ban đầu gần 20 người; tổ chức bộ máy gồm 04 phòng (Phòng Đào tạo; Phòng Nghiên cứu khoa học; Phòng Hành chính - Kế toán; Bộ phận thường trực tại Tp Hồ Chí Minh), trụ sở làm việc phải đi thuê ngoài, tổ chức đào tạo người hành nghề với 2 chương trình ban đầu gồm: Cơ bản về chứng khoán và TTCK; Luật áp dụng trong ngành chứng khoán.

+ Từ những tiền đề của năm đầu, sang năm 1999 hoạt động Trung tâm tiếp tục được củng cố và phát triển trên các mặt tạo tiền đề vững chắc trong những năm tiếp theo như:

 - Về nghiên cứu khoa học: Năm 1999 là năm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được công nhận là đầu mối khoa học công nghệ trong hệ thống chung do Bộ Khoa học và công nghệ quản lý. Hội đồng khoa học chứng khoán được thành lập, các đề tài nghiên cứu khoa học về chứng khoán đã được triển khai và công tác nghiên cứu khoa học bắt đầu đi vào quỹ đạo.

          - Về công tác đào tạo: Đã xây dựng và đưa vào đào tạo chương trình “Phân tích đầu tư chứng khoán”, nâng số chương trình đào tạo thành 03 chương trình.

- Về tổ chức bộ máy, nhân sự: Tách Phòng Hành chính - Kế toán thành 2 phòng độc lập (Phòng Hành chính Tổng hợp; Phòng Kế toán), tăng cường biên chế Trung tâm lên 22 người.

  • Giai đoạn năm 2000 - 2010

Trung tâm tiếp tục củng cố, phát triển trên các mặt hoạt động như:

- Về tổ chức bộ máy, nhân sự: Nâng cấp Bộ phận thường trực tại Tp. Hồ Chí Minh thành Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh vào năm 2001; thành lập Phòng Tư liệu- Tin học vào năm 2004; thành lập Phòng Phân tích và Dự báo thị trường năm 2008. Đội ngũ nhân sự không ngừng tăng lên, đến năm 2010, tổng số viên chức, người lao động có 68 người, trong đó 40 biên chế và 20 hợp đồng lao động, với gồm 07 phòng chức năng.

- Về cơ sở vật chất: Từ khi có chủ trương xây dựng trụ sở làm việc năm 1998, sau nhiều nỗ lực của cả Lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo Trung tâm để xin đất, đền bù giải phóng mặt bằng và triển khai thi công dự án. Đến năm 2005 công trình Nhà lớp học hiệu bộ được hoàn thành, tiếp đến năm 2006 hoàn thành khu Giảng đường-Nhà nghiên cứu. Năm 2008, khu Ký túc xá-Nhà ăn với quy mô 8 tầng được đưa vào sử dụng. Tháng 12/2005, Trung tâm chuyển về Trụ sở mới ổn định tại số 234 Lương Thế Vinh – Trung Văn – Nam Từ Liêm – Hà Nội sau 6 lần chuyển địa điểm làm việc.

- Về đào tạo: Năm 2005, trước yêu cầu phát triển công tác đào tạo lên tầm cao mới, Trung tâm đã trình Bộ Tài chính phê duyệt và triển khai thực hiện “Đề án Nâng cấp đổi mới công tác đào tạo chứng khoán giai đoạn 2006-2010", theo đó sẽ xây dựng 07 ch­ương trình đào tạo hành nghề mới thay vì 03 chương trình đào tạo trước đây. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của TTCK qua từng năm, quy mô đào tạo cũng không ngừng tăng lên qua các năm, đặc biệt có sự vượt trội vào năm 2007- 2008; chất lượng đào tạo luôn được tăng cường. Đến năm 2009, Trung tâm đã đưa vào đào tạo theo 07 chương trình đào tạo hành nghề gồm: (1) Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và TTCK; (2) Pháp luật về chứng khoán và TTCK; (3) Phân tích đầu t­ư chứng khoán; (4) Môi giới và t­ư vấn đầu t­ư chứng khoán; (5) Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp; (6) Tư­ vấn tài chính và Bảo lãnh phát hành chứng khoán; (7) Quản lý quỹ và tài sản. Từ khi có 07 chương trình đào tạo mới, việc thi cấp chứng chỉ hành nghề cũng phân loại thành 03 loại chứng chỉ hành nghề: Chứng chỉ hành nghề môi giới; chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính; chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ.

Bên cạnh đó, năm 2008 Trung tâm đã đưa vào chương trình đào tạo “Quản trị công ty” cho đối tượng cán bộ quản lý công ty đại chúng.

Hơn nữa, Trung tâm còn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho công chúng thông qua các buổi tập huấn quy mô lớn; các hoạt động tuyên truyền tạo hàng cho thị trường chứng khoán tại các doanh nghiệp.

- Về nghiên cứu khoa học: Bên cạnh triển khai định kỳ hàng năm các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Ủy ban; Trung tâm còn triển khai nhiều hội thảo khoa học; báo cáo chuyên đề; các cuộc điều tra, khảo sát về thị trường chứng khoán; các đoàn khảo sát nước ngoài; các hoạt động hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước; ...

  • Giai đoạn năm 2011 – 2020

Trung tâm tiếp tục duy trì, phát triển trên các mặt hoạt động như:

- Về tổ chức bộ máy, nhân sự: Thành lập Phòng Quản trị công ty năm 2016 để thực hiện nhiệm vụ đào tạo quản trị công ty. Đội ngũ nhân sự được duy trì so với giai đoạn trước.

- Về cơ sở vật chất: Đẩy mạnh trang bị cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học; ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo với việc thành lập các phòng máy tính thực hành để phục vụ thi cấp chứng chỉ chuyên môn, cấp chứng chỉ hành nghề trên máy tính. Năm 2020, cơ sở vật chất cho đào tạo trực tuyến; cho đào tạo nhà đầu tư như Phòng đào tạo trực tuyến, website đào tạo nhà đầu tư, ... được trang bị với nguồn tài trợ của Luxembourg thông qua Dự án VIE/032.

- Về đào tạo: Năm 2016, xây dựng và đưa vào giảng dạy chương trình mới là “Chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh” khi thị trường chứng khoán phái sinh chính thức đi vào hoạt động. Giai đoạn 2017 -2020, các giáo trình của 07 chương trình đào tạo hiện hành cũng được xây dựng cập nhật lại, trong đó đáng chú ý là 05 giáo trình đào tạo được xây dựng với sự tài trợ của Chính phủ Luxembourg thông qua Dự án VIE/032.

Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho công chúng thông qua các hội thảo trực tiếp; các buổi giảng dạy, tọa đàm trên truyền hình.

Kết quả đến nay, đã tổ chức đ­ược hơn 1.500 lớp đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn hành nghề cho hơn 150.000 l­ượt học viên; tổ chức hơn 150 lớp bồi dưỡng công chức, viên chức; đào tạo quản trị công ty cho hơn 6.000 cán bộ quản lý công ty đại chúng; tập huấn phổ cập kiến thức chứng khoán cho hơn 25.000 lượt người. Đến nay, không chỉ những ngư­ời hành nghề kinh doanh chứng khoán mà hầu hết các nhà đầu t­ư trên thị tr­ường đều trải qua các lớp học của Trung tâm, có thể là lớp học theo chương trình đào tạo hành nghề hay theo ch­ương trình phổ cập kiến thức.

- Về nghiên cứu khoa học: Tiếp tục triển khai định kỳ hàng năm các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Ủy ban; Trung tâm còn triển khai nhiều chuyên đề nghiên cứu khoa học; hội thảo khoa học; báo cáo chuyên đề; các đoàn khảo sát nước ngoài; các hoạt động hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước; biên soạn nhiều tài liệu, tờ rơi, ấn phẩm phục vụ đào tạo, tuyên truyền.

Kết quả đến nay, đã quản lý 7 đề tài cấp bộ; gần 250 đề tài nghiên cứu cấp Ủy ban; 46 đề tài cấp cơ sở; 50 chuyên đề nghiên cứu. Các đề tài đã cung cấp những số liệu, cơ sở khoa học, tập trung vào những vấn đề cấp thiết cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

         Cho đến nay, Trung tâm đã trải qua hơn 23 năm xây dựng và phát triển. 23 năm hoạt động không phải là dài đối với một tổ chức, nhưng đối với ngành chứng khoán là một quãng đường dài, trong 23 năm đó Trung tâm đã làm được nhiều việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Có thể nói: thị trường chứng khoán Việt Nam lớn mạnh như hiện nay có phần đóng góp quan trọng của Trung tâm và sự phát triển của Trung tâm luôn gắn liền với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.