Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 2/8/2021 đến ngày 6/8/2021

Tin kinh tế vĩ mô

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tổng thu NSNN thực hiện tháng 7 ước đạt 126.700 tỷ đồng. Luỹ kế thu 7 tháng đạt 912.100 tỷ đồng, bằng 67,9% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó thu nội địa vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 744.000 tỷ đổng sau 7 tháng đầu năm.

Tại chiều ngược lại, tổng chi cân đối NSNN tháng 7 ước đạt 111.900 tỷ đồng. Lũy kế chi 7 tháng ước đạt 810.600 tỷ đồng, bằng 48% dự toán. Trong đó riêng chi thường xuyên đạt 572.200 tỷ đồng.

Như vậy sau 7 tháng đầu năm, NSNN thặng dư hơn 101.000 tỷ đồng.

Ngoài ra theo Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm, Trung ương đã chi 4.200 tỷ đồng từ dự phòng năm 2021 để bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế mua vaccine, các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 (1.799 tỷ đồng); kinh phí phòng chống dịch cho Bộ công an (389 tỷ đồng); Bộ Quốc phòng (1.553 tỷ đồng) và hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 cho các địa phương (471 tỷ đồng); Các địa phương đã chi gần 2.400 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch.

Về công tác quản lý nợ và tài chính đối ngoại, theo Bộ Tài chính, trả nợ của Chính phủ trong tháng 7 khoảng 23.905 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 19.843 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 4.062 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 233.674 tỷ đồng. Trong đó trả nợ trong nước khoảng 198.901 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 34.773 tỷ đồng.

Nhằm hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, các chính sách ban hành thời gian qua như:  gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đang được triển khai đúng hướng, thiết thực, đúng đối tượng, dễ triển khai. Đối tượng thụ hưởng dễ dàng tiếp cận chính sách hơn. Theo đó, địa phương đều có chung nhận xét, chính sách là phù hợp, các thủ tục được hướng dẫn chi tiết, không phát sinh thêm thủ tục mới, chủ trương giao nhóm lao động tự do cho các địa phương tự triển khai là đúng đắn, thực tế đã phát huy hiệu quả.

Tính đến ngày 4/8 có 37/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách gần 765.000 lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác (trong đó có khoảng 100.000 người bán lẻ vé xổ số lưu động). Trong đó, 20/63 tỉnh, thành phố (chủ yếu ở các khu vực phía nam) đã chi trả hỗ trợ trên 560.000 người (chiếm 73% số phê duyệt), với tổng kinh phí gần 790 tỷ đồng.

Ngoài ra, các tỉnh đã thực hiện chi trả hỗ trợ gần 103.500 đối tượng đặc thù của địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ gần 89,5 tỷ đồng.

Việc triển khai hỗ trợ nhóm chính sách hỗ trợ lao động tạm nghỉ việc, nhóm F1, F0 cũng được thực hiện nhanh và có hiệu quả. Chính sách cho người sử dụng lao động vay trả lương và phục hồi sản xuất, thực hiện tốt ở nhiều địa bàn.

Cụ thể, tính đến ngày 4/8, với chính sách hỗ trợ bổ sung, hỗ trợ tiền ăn và trẻ em, 32/63 tỉnh, thành phố đã báo cáo việc phê duyệt danh sách hỗ trợ tiền ăn cho 65.300 đối tượng, trong đó có 24.500 người là F0 và 40.800 người là F1 và hỗ trợ thêm cho trên 2.600 trẻ em, đã chi trả tổng số tiền ăn hỗ trợ là gần 12,1 tỷ đồng.

Tại nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, chính quyền đã sử dụng ngân sách địa phương và nhiều nguồn vận động khác để hỗ trợ chi phí ăn uống cho người dân trong các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly.

31/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hồ sơ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 220 người sử dụng lao động để trả lương cho 34.895 lao động, nhu cầu vay 188,35 tỷ đồng, trong đó, đã giải ngân cho 123 đơn vị vay trả lương cho 26.547 lao động với tổng số tiền trên 102,5 tỷ đồng

Tính đến ngày 4/8 có 21/63 tỉnh, thành phố cũng đã phê duyệt và chi trả cho gần 48.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (trong đó có 50 lao động đang mang thai và 750 trẻ em dưới 6 tuổi) với tổng kinh phí hỗ trợ là gần 98,3 tỷ đồng.

Thị trường Tiền tệ        

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 02/08 - 06/08, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm các phiên đầu tuần, chỉ tăng nhẹ phiên cuối tuần. Chốt tuần, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.167 VND/USD, giảm tiếp 13 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 22.975 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.812 VND/USD. Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục giảm trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 06/08, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.926 VND/USD, giảm 34 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Trái lại, trong tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng tăng. Chốt tuần 06/08, tỷ giá tự do tăng mạnh 80 đồng ở chiều mua vào và 125 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.190 – 23.290 VND/USD.

Tỷ giá USD có xu hướng đi lên trong bối cảnh lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong một tuần, đồng thời các nhà đầu từ hy vọng báo cáo việc làm khả quan sẽ thúc đẩy việc thắt chặt chính sách tiền tệ diễn ra nhanh hơn. Trong phiên giao dịch cuối tuần, USD Index tăng 0,57% lên 92,780. Tỷ giá EUR so với USD giảm 0,60% xuống 1,1761. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,41% xuống 1,3871. Tỷ giá USD so với Yen Nhật tăng 0,45% lên 110,24. Sức mạnh của đồng USD đang tác động đến các đồng tiền mới nổi. Cụ thể, đồng baht của Thái Lan đang ở mức thấp nhất trong 3 năm, giảm hơn 7% so với USD trong 7 tuần. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 0,7% so với đồng bạc xanh xuống mức thấp nhất trong hai tuần.

- Thị trường nội tệ

Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cam kết hỗ trợ lãi suất với số tiền 20,300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm, lấy từ nguồn cắt giảm lợi nhuận, tuỳ quy mô ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giám sát chặt chẽ, bảo đảm các ngân hàng triển khai đúng cam kết hỗ trợ của mình theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho DN, người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Để hỗ trợ cho DN, người dân và nền kinh tế NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, bám sát các diễn biến vĩ mô và tình hình thực tiễn để có những quyết sách kịp thời, phù hợp.

Về lãi suất, NHNN đã 3 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn (1.5-2.0%/năm), đồng thời có các biện pháp chỉ đạo, điều hành, kêu gọi các TCTD giảm các mức lãi suất cho vay.

Về cơ chế, NHNN đã ban hành Thông tư 01 và sau đó là Thông tư 03 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đồng thời, chỉ đạo các TCTD, tổ chức thanh toán miễn, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng.

Ngoài việc cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn không chuyển nhóm các DN thì việc giảm lãi là thiết thực nhất, cụ thể nhất. Thống kê sơ bộ, kể từ khi dịch bùng phát năm 2020 đến nay, tổng số chi phí giảm lãi cho DN, nền kinh tế của các TCTD là khoảng 18,830 tỷ đồng. Nếu tính các khoản hỗ trợ đã thực hiện từ đợt dịch năm 2020 đến nay, đã có hàng trăm nghìn DN lớn nhỏ được xem xét cơ cấu lại các khoản nợ, lãi, được hỗ trợ lãi suất ở mức độ phù hợp với thực tế. Tất nhiên, không phải DN nào cũng đủ tiêu chí để được hỗ trợ, có không ít DN phàn nàn, nhưng trong từng vụ việc, cần có sự phân tích cụ thể và từ hai phía. Bên cạnh đó, vừa qua, ngoài các gói hỗ trợ tín dụng, NHNN còn chỉ đạo triển khai các chính sách tín dụng, chính sách xã hội khoảng 7,500 tỷ, đóng góp trong gói 26,000 tỷ đồng (2021) dành cho người khó khăn vì dịch COVID-19.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, NHNN đang khẩn trương xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư số 01 và Thông tư số 03 để sớm ban hành trong thời gian tới. Các Thông tư trước đây được ban hành trong bối cảnh khác hiện nay. Ví dụ, Thông tư 03 được ban hành khi dịch COVID-19 được dự báo sẽ qua trong thời gian ngắn, các DN dần trở lại hoạt động bình thường nhưng đến nay, tình hình không như vậy. Hiện nay, đặt trường hợp nhanh nhất các địa phương dỡ bỏ giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ sau tháng 8, thì đến hết năm, các DN vẫn chưa hoạt động bình thường trở lại được.

NHNN đang thu thập các ý kiến, thiết kế lại các chính sách theo hướng bảo đảm sự hỗ trợ tốt hơn, quyết liệt, chủ động hơn để trợ lực kịp thời cho các DN, người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trong đó, NHNN đang xem xét điều chỉnh nhiều quy định như: Mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí; cho phép TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí đối với cả các khoản nợ phát sinh từ sau ngày 10/6/2020 cho đến một thời điểm phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trên cơ sở đánh giá tác động của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Hơn nữa, khi thiết kế và triển khai chính sách hỗ trợ, lãnh đạo NHNN phải tính đến việc phối hợp các chính sách có tính dài hạn hơn, vừa giảm bớt khó khăn cho DN trong lúc đang giãn cách trước mắt, đồng thời vẫn bảo đảm nguồn lực phục hồi nền kinh tế khi kết thúc giãn cách. Để đạt các mục tiêu trên, NHNN rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành trong cơ cấu lại các khoản nợ lãi, khoản tín dụng DN khó khăn chưa trả được. NHNN rất cần sự phối hợp, đồng thuận của các bộ, ngành liên quan để các văn bản, chính sách liên quan đến tái cơ cấu, trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại (NHTM) được đồng bộ, phát huy hiệu quả.

Hiện tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. ngành ngân hàng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cơ cấu, hoãn, giãn các khoản nợ đến hạn, không chuyển nhóm nợ DN.

Mới đây nhất, 16 TCTD đã họp và thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế với nguồn từ số lợi nhuận cắt giảm, ước tính sơ bộ vào khoảng 20,300 tỷ từ nay đến cuối năm, tuỳ quy mô ngân hàng. Riêng 4 NHTM nhà nước lớn là Vietcombank, VietinBank, AgribankBIDV đã phát huy vai trò tiên phong, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết thêm khoảng 1,000 tỷ đồng hỗ trợ giảm lãi suất cho các DN, người dân ở các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch COVID-19 và phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Các ngân hàng này đã triển khai miễn phí 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng như TPHCM, Bình Dương.

NHNN sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất nhất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như cam kết để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Dù các NHTM cũng hoạt động kinh doanh như một DN nhưng lúc này, các ngân hàng nên đề cao trách nhiệm chia sẻ với DN và người dân. Đặc biệt, khi tình trạng dịch căng thẳng, việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay với DN, người dân là căn cơ và thiết thực. Không như lãi suất cho vay, để có lãi suất điều hành phù hợp thì phải phụ thuộc vào diễn biến khách quan của nền kinh tế, dựa trên yêu cầu về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tài chính. Để điều hành kinh tế vĩ mô, cần phải căn cứ vào biến động của tình hình kinh tế thế giới, các chính sách tiền tệ phải bảo đảm theo hướng linh hoạt, bảo đảm ổn định kiểm soát lạm phát, giữ các cân đối lớn của nền kinh tế trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Diễn biến thị trường thực tế, NHNN nhận thấy vốn khả dụng của các NHTM, hay còn gọi là thanh khoản của các NHTM dồi dào, lãi suất thị trường liên ngân hàng khá thấp. Ở đầu ra, trong bối cảnh hiện nay, cầu tín dụng ra nền kinh tế còn khá thấp, do đó, việc giảm lãi suất điều hành chưa phải là giải pháp thích hợp và phát huy tác dụng trong thời điểm hiện nay. Do đó, NHNN không cho rằng việc giảm tiếp lãi suất điều hành là hợp lý. Thời điểm này, cần cân đối bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời, dưới góc độ vĩ mô là kiểm soát lạm phát trong năm 2021 cũng như những năm tới. Tuy nhiên, với vai trò của mình, NHNN vẫn đang theo dõi chặt các diễn biến để có các công cụ hữu hiệu, vận dụng linh hoạt chính sách tiền tệ đúng thời điểm, từ đó phát huy tác dụng, đạt hiệu quả cao nhất.

Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 06/08/2021, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Cụ thể, lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 0,92%/năm, 1 tuần lên 1,16%/năm, 2 tuần lên 1,26%/năm, 1 tháng 1,61%/năm, 3 tháng lên 1,78%/năm, 6 tháng lên 2,28%/năm, 9 tháng lên 3,14%/năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đối với tiền gửi tiết kiệm hiện nay cao hơn thị trường liên ngân hàng. Lãi suất từng ngân hàng có sự cạnh tranh rõ rệt hơn khi nhảy lên cao.

 Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng trong nước có xu hướng giảm theo giá vàng thế giới, đặc biệt giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần sau khi báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ thúc đẩy khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu giảm hỗ trợ kinh tế sớm hơn dự đoán trước đó. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 56,30 – 57,00 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 7/8 và cao nhất 56,65 – 57,35 triệu đồng/lượng ngày 4/8.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (23.030 đồng), giá vàng thế giới tương đương 48,91 triệu đồng/lượng, thấp hơn 8,99 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Bất động sản

Thống kê của Bộ Xây dựng từ số liệu của 55/63 địa phương, có 94 dự án nhà ở xã hội với 123.085 căn đang triển khai trong quý II, tập trung chủ yếu tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Thanh Hóa. Hầu hết các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại các thành phố trọng điểm được đầu tư xây dựng để bán, diện tích căn hộ khoảng 50 - 70 m2 với giá bán dao động dưới 20 triệu/m2. Bộ Xây dựng đánh giá, nguồn cung nhà ở xã hội và giá thấp hiện nay còn hạn chế. Do đó, Bộ yêu cầu các địa phương tập trung đẩy mạnh phát triển để tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân khu công nghiệp, nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập trung bình,… Bên cạnh đó, Bộ cũng cảnh báo, thời gian gần đây có rất nhiều phản ánh tại một số tỉnh/thành phố như Hà Nội, TP HCM,... xuất hiện tình trạng trên các trang thông tin về bất động sản, nhiều đơn vị môi giới bất động sản đã mạo danh chủ đầu tư rao bán, tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc nhà ở xã hội.

Nợ vay bất động sản vẫn tăng trong những tháng gần đây. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 672.224 tỷ đồng (trong khi tính đến 31/3 là 661.112 tỷ). Như vậy, nợ vay bất động sản đã tăng hơn 11.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 3. Trong đó, tổng nợ vay đầu tư các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà đạt 166.561 tỷ đồng, chiếm 24,8%. Đứng thứ hai là tổng nợ vay đối với hoạt động xây dựng, sửa chữa nhà để bán với 99.547 tỷ, chiếm 14,8%. Bên cạnh đó, tổng nợ vay đầu tư các dự án văn phòng, cao ốc cho thuê khoảng 54.946 tỷ đồng; nợ vay đầu tư các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 53.582 tỷ đồng; nợ vay mua đất nền khoảng 53.164 tỷ đồng; nợ vay đầu tư các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất khoảng 27.464 tỷ đồng; nợ vay đầu tư các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 26.204 tỷ đồng.Tuy nhiên, dòng tiền cho vay bất động sản đang có xu hướng tăng chậm lại trong những năm gần đây. Thực trạng này một phần là do động thái kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có bất động sản. Doanh nghiệp bất động sản đang đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu. Theo số liệu của Vụ Tài chính các ngân hàng (Bộ Tài chính), lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các doanh nghiệp đạt 192.203 tỷ đồng.

Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường BĐS, làm cho hầu hết các doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư, khách hàng đều gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau. Theo HoREA, để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của dịch, các doanh nghiệp BĐS không xin nhà nước hỗ trợ bằng tiền mà chỉ xin Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính. Cụ thể, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét không chuyển nhóm nợ xấu hơn đối với các khoản vay đến hạn. Về chính sách thuế, tiền sử dụng đất, HoREA đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ chính sách cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021, nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của đại dịch COVID-19.

Thị trường Chứng khoán

- Thị trường chứng khoán thế giới

Những cổ phiếu gắn liền với sự phục hồi kinh tế đã tăng vọt sau báo cáo việc làm mạnh hơn dự báo vào ngày thứ Sáu (06/8), đưa 2 chỉ số chính là Dow Jones và S&P 500 lên mức cao mọi thời đại. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones tăng 144.26 điểm (tương đương 0.4%) lên mức cao mọi thời đại 35,208.51 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến gần 0.2% lên mức đóng cửa cao kỷ lục mới 4,436.52 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite lùi 0.4% xuống 14,835.76 điểm.

Tuần qua, Dow Jones tăng 0.7%, đánh dấu tuần tăng thứ 2 trong 3 tuần. S&P 500 cộng 0.9% trong tuần qua và hiện đã leo dốc 18.1% từ đầu năm đến nay. Nasdaq Composite tăng 1.1% trong tuần. 

Vào ngày thứ Sáu, báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 943,000 việc làm trong tháng 7, cao hơn dự báo 845,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 5.4%, thấp hơn dự báo 5.7%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà tăng sau báo cáo việc làm khi lãi suất khởi sắc, làm tăng triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Cổ phiếu JPMorgan tiến 2.8%, còn cổ phiếu Bank of America cộng 2.9%. Cổ phiếu Wells Fargo vọt 3.8%. Cổ phiếu Goldman Sachs tăng lên mức cao mọi thời đại và nhóm cổ phiếu ngân hàng khu vực có ngày tăng mạnh nhất trong gần 1 tháng.  Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, vốn đã suy yếu trong mùa hè, tiến lên mức cao 1.3% vào ngày thứ Sáu. Lợi suất thường di chuyển ngược chiều với giá. Nhóm cổ phiếu năng lượng, công nghiệp và bán lẻ cũng tăng khi báo cáo việc làm giúp xoa dịu lo ngại về đà phục hồi kinh tế. Mặt khác, nhóm cổ phiếu công nghệ lao dốc khi đà tăng của lãi suất khiến nhà đầu tư chốt lời ở các cổ phiếu này và quay trở lại với những cổ phiếu có thể được hưởng lợi từ đà tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Cổ phiếu Amazon và Apple giảm nhẹ, trong khi cổ phiếu Zoom sụt 3.8%. Lãi suất cao hơn có thể làm cho các cổ phiếu công nghệ bị định giá quá cao. Nhóm cổ phiếu phòng thủ, chẳng hạn như cổ phiếu tiện ích và y tế, cũng sụt giảm sau báo cáo việc làm. Ngày thứ Sáu đánh dấu chuỗi lập kỷ lục mới nhất của S&P 500, chỉ số này đã tiếp tục leo cao trong mùa hè ngay cả khi lo ngại ngày càng tăng về đỉnh tăng trưởng kinh tế và sự lây lan biến thể Covid-19 Delta.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ được đưa ra sau khi dữ liệu vào ngày 05/8 cho thấy số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp là 385,000 trong tuần trước, trùng khớp với dự báo, và báo cáo việc làm khu vực tư nhân của ADP vào ngày 04/8 gây thất vọng. Phố Wall tập trung chú ý vào báo cáo việc làm ngày thứ Sáu vì nó có khả năng ảnh hưởng đến chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tương lai. Thống đốc Fed, Christopher Waller, nói với CNBC vào ngày 02/8 rằng ông ủng hộ Ngân hàng trung ương thu hẹp chương trình mua tài sản nếu 2 báo cáo việc làm tiếp theo cho thế đà phục hồi vững vàng. Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng có thành quả tốt sau báo cáo, với chỉ số Russell 2000 tiến 0.5% để khép lại tuần qua với mức tăng gần 1%.

Ngoài ra, cho đến nay, có đến 89% số công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo lợi nhuận quý 2, và 87% số công ty này có lợi nhuận cao hơn kỳ vọng, theo dữ liệu từ FactSet. Đây là quý tốt nhất về lợi nhuận bất ngờ kể từ ít nhất là năm 2008.

- Thị trường chứng khoán trong nước  

Dù phiên cuối tuần kết thúc trong sắc đỏ, VN-Index vẫn có tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp với khối lượng giao dịch trung bình cả tuần ở mức cao. Khối ngoại mua ròng mạnh mẽ trên cả hai sàn HOSE và HNX với tổng giá trị mua ròng gần 2,400 tỷ đồng. Giao dịch trong phiên cuối tuần, VN-Index giảm 0.3% xuống mức 1,341.45 điểm; HNX-Index giậm chân tại chỗ ở mức 325.46 điểm. Dù có phiên cuối tuần giảm nhẹ nhưng nếu xét cho cả tuần cả hai chỉ số đều cùng tăng, VN-Index tăng tổng cộng 2.40% và HNX-Index tăng 3.37%. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 621 triệu cổ phiếu/phiên, tăng mạnh 28.93%. Sàn HNX đạt trung bình gần 121 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 44.48%.

VN-Index bước vào tuần giao dịch khá lạc quan khi tăng 0.32% và kèm theo đó là sự cải thiện đáng kể về khối lượng giao dịch sau khi VN-Index phá ngưỡng kháng cự quan trọng trong tuần trước. VN-Index tăng liên tiếp ở 3 phiên giao dịch sau đó. Tuy nhiên, với tâm lý chốt lời của nhà đầu tư trong phiên cuối tuần, VN-Index không thể giữ được những điểm tăng đã có và quay đầu giảm nhẹ. Nhìn tổng thể, VN-Index tiếp tục có một tuần giao dịch rất tích cực khi tăng 2.4% và dòng tiền nhà đầu tư đã bắt đầu cho thấy xu hướng quay lại với thị trường chứng khoán.

Nhóm bất động sản nổi bật trong tuần qua với mức tăng cả tuần ở mức 7.44%. Bộ đôi VIC và VHM tăng lần lượt 5.69% và 5.17%. Các cổ phiếu khác như NVL hay FLC cũng đều tăng mạnh trên mức 3% trong tuần qua. Ngoài những cổ phiếu quen thuộc trên, NLGcó những diễn biến đáng chú ý khi tiếp tục thiết lập mức đỉnh mới trong lịch sử (tính theo dữ liệu điều chỉnh). Khối lượng giao dịch của NLG cũng thường xuyên nằm trên mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền đang rất mạnh.

Nhóm cổ phiếu vận tải và kho bãi được hưởng lợi rất nhiều khi tình trạng giá cước liên tục tăng cao. Cổ phiếu nhóm này trong tuần qua tăng 3.47%. Cổ phiếu lớn trong ngành như GMD tăng gần 5% hay như trường hợp cổ phiếu PHP bật mạnh hơn 10%. Ngoài hai cổ phiếu lớn trên, HAH và VOS cũng có tuần giao dịch trong sắc xanh tích cực với nhiều phiên tăng trần liên tiếp. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 2,466 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại mua ròng hơn 2,438 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng hơn 28 tỷ đồng trên sàn HNX.

  • Thị trường Upcom

Giao dịch trên thị trường chứng khoán UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4 phiên và bán ròng 1 phiên duy nhất ngày 2/8. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 864.310 đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 39,45 tỷ đồng, tăng 10,32% về lượng nhưng giảm 12,43% về giá trị so với tuần trước. Trong đó, khối này đã mua vào 3,39 triệu đơn vị, giá trị 167,64 tỷ đồng (giảm 25,39% về lượng và 23,1% về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 2,52 triệu đơn vị, giá trị 128,19 tỷ đồng (giảm 32,83% về lượng và 25,88% về giá trị so với tuần trước).

Chỉ số

ĐIỂM

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD

bình quân/phiên

trong tuần

GTGD

bình quân/phiên

trong tuần

Vn-Index

1,342.45

736,160.871

22,511.16

658,995,162

20,881.37

HNX-Index

325.46

171,851.947

4,449.37

133,437,187

3,338.81

UpCom-Index

88,28

107.069.814

1.508,00

72,168,137

1,313

 

                                                                                                                                               Nguồn: Phòng Phân tích-Dự báo, SRTC