Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 22/4/2024 đến ngày 26/4/2024

          Tin kinh tế vĩ mô

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng chủ yếu do tác động của giá xăng dầu. Các chuyên gia nhận định, khả năng lạm phát năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê ngày 29/04, giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4/2024 tăng 0,07% so với tháng trước. Như vậy, so với tháng 12/2023 CPI tháng 4 tăng 1,19% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,4%. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu và giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Nhận định về lạm phát cả năm 2024, hầu hết các tổ chức và chuyên gia đều cho rằng, nhiều khả năng lạm phát năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra là CPI bình quân trong khoảng 4 - 4,5%. Tuy nhiên, con số thống kê lạm phát 4 tháng đầu năm cho thấy, rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu. Điều đáng lo ngại nhất trong điều hành giá năm nay là giá một số mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu dự báo có thể biến động tăng như: giá xăng dầu, giá một số vật liệu xây dựng, giá lương thực.

Cùng với đó, việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng, tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét trong năm 2024; lương tối thiểu vùng tăng 6% từ ngày 01/07/2024 sẽ khiến CPI tăng thêm khoảng 0,03 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2024 vẫn tiếp tục được thực hiện góp phần giảm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, giá cả và lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt; cung tiền trong nước tăng nhưng vòng quay tiền còn chậm, dự báo khoảng 0,7-0,9 lần…, cũng là những yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét công tác quản lý, điều hành giá quý I và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024 diễn ra ngày 24/04, Bộ Tài chính cập nhật 3 kịch bản điều hành giá, tương ứng dự báo CPI bình quân tăng khoảng 3,64% so với năm 2023 (kịch bản 1); tăng 4,05% (kịch bản 2) và tăng khoảng 4,5% (kịch bản 3); Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,5% - 4,5% (3 kịch bản: 3,5%, 4,0% và 4,5%); NHNN dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 4 ± 0,5%.

Thị trường Tiền tệ 

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 22-26/4, tỷ giá trung tâm tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng 2 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại. Chốt ngày 26/4, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.246 VND/USD, giảm 18 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.450 VND/USD qua tất cả các phiên. Tỷ giá liên ngân hàng giảm trở lại trong tuần từ 22-26/4. Kết thúc phiên 26/4, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.334 VND/USD, giảm 116 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm qua các phiên trong tuần qua. 

USD giảm giá sau khi dữ liệu ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại và lạm phát gia tăng ngoài dự đoán. USD Index (DXY) hiện ở mức 105,57. Tỷ giá EUR/USD giảm 0,02% ở mức 1,0729. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,02% ở mức 1,2509. Tỷ giá USF so với Yen Nhật giảm 0,06% ở mức 155,61.

- Thị trường nội tệ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phản ứng nhanh chóng vào đầu năm 2023 trước những thách thức và tình trạng suy thoái kinh tế với các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6 năm 2023, khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,50%. 

Tuy nhiên, với tốc độ hoạt động kinh tế đang được cải thiện và triển vọng tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo vẫn ở mức thấp nhưng không nên loại trừ hoàn toàn.

Tỷ lệ lạm phát tăng nhanh gần đây có thể khiến NHNN thận trọng hơn nữa trong bất kỳ thay đổi nào về lãi suất chính sách. Và thay vì tiếp tục hạ lãi suất với các hạn chế trong tính toán mức chặn dưới, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Một lĩnh vực trọng tâm là tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vốn khá mờ nhạt vào đầu năm nay (Đến tháng/4/2024 mới đạt hơn 1% trong khi cùng kỳ đạt hơn 2%). Vào năm 2023, tín dụng ngân hàng đã tăng 13,5% so với cùng kỳ, thấp hơn một chút so với mục tiêu 14-15% đặt ra cho năm, do cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục cho vay và cải thiện khả năng tiếp cận các khoản vay ngân hàng của doanh nghiệp. Đến năm 2024, NHNN đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên khoảng 15% với khả năng điều chỉnh linh hoạt dựa trên diễn biến kinh tế trong năm. Nhu cầu tín dụng thấp là do nhiều nguyên nhân và có thể phải cần một thời gian để trở lại trạng thái bình thường. Sẽ có thêm công cụ để NHNN triển khai quản lý thanh khoản của hệ thống. Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi gần đây, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2024, tạo khuôn khổ cho các khoản vay đặc biệt từ NHNN, bao gồm các khoản vay không lãi suất và các khoản vay không cần tài sản thế chấp, từ đó có thể hướng tới các mục tiêu chính sách cụ thể cho phép hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và để triển khai hoạt động thanh khoản khẩn cấp khi cần thiết, chẳng hạn như các trường hợp rút tiền hàng loạt tại ngân hàng. Điều này phản ánh cam kết và các công cụ mạnh mẽ của Chính Phủ trong việc hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN quán triệt và quyết liệt triển khai đầy đủ, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị; các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là các Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP (ngày 5-1-2024) và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất, thị trường vàng, các Công điện số 1426, 23 về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Công điện số 18 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản.

Tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý; thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai, minh bạch lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng cho vay có lãi suất thấp, phù hợp yêu cầu sử dụng vốn tín dụng.

Các TCTD dành thời gian, công sức tập trung rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng doanh nghiệp, từng dự án đủ điều kiện; có giải pháp tín dụng phù hợp đối với các dự án BOT, BT giao thông khả thi, hiệu quả, lĩnh vực xăng dầu; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.

Bên cạnh đó, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến. Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.

Tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, đảm bảo kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người vay vốn gặp khó khăn, đồng thời không để trục lợi, làm sai quy định và sai lệch bản chất, nợ xấu.

Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng trong nước diễn biến với xu hướng tăng cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính chung tuần, giá vàng trong nước vẫn tăng thêm 300.000 - 600.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Hiện, giá mua vào cao nhất của vàng miếng SJC ở mốc 82,4 triệu đồng/lượng và giá bán ra cao nhất là 84,62 triệu đồng/lượng.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (25.458 đồng), giá vàng thế giới tương đương 71,58 triệu đồng/lượng, thấp hơn 13,44 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Chứng khoán

    - Thế giới

Dow Jones tăng hơn 450 điểm sau báo cáo việc làm của Mỹ, chứng khoán Mỹ tăng mạnh vào ngày thứ Sáu (03/05), sau khi báo cáo việc làm tháng 4 yếu hơn dự báo làm tăng hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm bắt đầu hạ lãi suất.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 03/05, chỉ số Dow Jones tăng 450.02 điểm (tương đương 1.18%) lên 38,675.68 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1.26% lên 5,127.79 điểm, ghi nhận phiên tốt nhất kể từ tháng 2/2024. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1.99% lên 16,156.33 điểm.

Cả 3 chỉ số chính đều khép lại tuần này với mức tăng. Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt tăng 1.14% và 1.43%, còn S&P 500 tiến 0.55%.

Bao cáo việc làm vào ngày thứ Sáu cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 175,000 việc làm trong tháng 4, thấp hơn so với dự báo tăng 240,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3.8% lên 3.9% trong tháng trước. Số liệu về tiền lương cũng thấp hơn so với dự báo, một dấu hiệu đáng khích lệ về lạm phát.

Emily Roland, Đồng giám đốc chiến lược đầu tư tại John Hancock Investment Management, nhận định: “Điều này thực sự làm giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư rằng nền kinh tế có thể đang quá nóng hoặc tăng tốc trở lại, đồng thời làm sống lại hy vọng về việc hạ lãi suất. Đó là lý do tại sao lãi suất giảm, trái phiếu tăng và thị trường chứng khoán nhảy vọt. Tin xấu cho thị trường việc làm có nghĩa là Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất vào cuối năm nay”.

Sau khi tốc độ tăng trưởng việc làm thấp hơn dự báo trong tháng 4 và tiền lương tăng ở mức vừa phải, nhà đầu tư đang dự báo đợt hạ lãi suất thứ 2 sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Thị trường hiện dự báo xác suất gần 50% Fed sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 9, theo công cụ CME FedWatch.

Lãi suất cũng giảm sau báo cáo lao động, với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm nhanh chóng rớt mốc 4.5%. Động thái này đã mang lại lợi ích cho các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn nhạy cảm với lãi suất, trong đó cổ phiếu Nvidia và Advanced Micro Devices đều vọt hơn 3%. Cổ phiếu Microsoft và Meta Platforms đều tăng 2%, còn lĩnh vực công nghệ thông tin thuộc S&P 500 tiến 3%.

Báo cáo lợi nhuận hàng quý mạnh mẽ từ các cổ phiếu thành phần Dow Jones cũng góp phần thúc đẩy đà leo dốc của thị trường vào ngày 26/4. Cổ phiếu Apple vọt gần 6% sau khi công bố mua lại cổ phiếu quỹ trị giá 110 tỷ USD và có doanh thu lợi nhuận vượt kỳ vọng. Cổ phiếu công nghệ sinh học Amgen leo dốc gần 12% sau khi báo cáo lợi nhuận tốt hơn dự báo và đưa ra thông tin cập nhật tích cực về một loại thuốc trị béo phì đang thử nghiệm. Cổ phiếu này cũng chứng kiến phiên tốt nhất kể từ năm 2009.

- Trong nước  

Chứng khoán tuần 22-26/04/2024 kỳ vọng dòng tiền quay trở lại,VN-Index  đảo chiều giảm và hồi phục tích cực trở lại trong tuần với mức tăng gần 35 điểm. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch duy trì dưới trung bình 20 tuần cùng với lực bán ròng mạnh của khối ngoại đã tác động đến tâm lý của nhà đầu tư.

Các chỉ số chính tăng giảm trái chiều trong phiên cuối tuần, kết phiên, VN-Index tăng 4.55 điểm, lên mức 1,209.52 điểm; HNX-Index giảm 0.75 điểm, kết phiên về mức 226.82 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tổng cộng tăng 34.67 điểm (+2.95%), HNX-Index tăng 6.02 điểm (+2.73%).

Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch tích cực khi đà tăng hồi phục mạnh mẽ trở lại. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch liên tục duy trì dưới mức trung bình 20 ngày cho thấy dòng tiền đang rút khỏi thị trường. Bên cạnh đó, việc khối ngoại tiếp tục bán ròng sẽ là mối lo ngại cho chỉ số trong các phiên tới. Kết phiên, VN-Index đóng cửa với mức tăng 4.55 điểm, tương đương 0.38%.

Xét theo mức độ đóng góp, VIC, HDB và GVR là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index với đóng góp gần 4 điểm cho chỉ số. Ở chiều ngược lại BID, MSN và GAS là các mã có tác động tiêu cực nhất. Tính riêng BID đã lấy đi hơn 0.5 điểm của chỉ số.

Kết phiên giao dịch trong ngày 26/04/2024, chỉ số liên tục giằng co quanh mốc tham chiếu nhưng vẫn duy trì được sắc xanh với hơn 4 điểm tăng. Trong đó, ngành bán lẻ, nhựa - hóa chất và bất động sản ghi nhận tích cực nhất khi đóng góp cho đà tăng của chỉ số.

Nhóm ngành bán lẻ tiếp tục dẫn đầu trong phiên hôm nay (26/04), với các mã cổ phiếu tăng tốt như MWG (+2.04%), FRT (+5.23%), CCI (+6.57%), SFG (+6.9%).

Kế đến, các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành nhựa - hóa chất cũng khởi sắc không kém. Khi các mã cổ phiếu đồng loạt nhuộm sắc xanh như GVR (+2.04%), DGC (+2.33%), DPM (+1.12%), NTP (+2%), APH (+5.88%), LIX (+2.23%)

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng gần 877 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, bán ròng hơn 1.21 ngàn tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng hơn 339 tỷ đồng trên sàn HNX.

QCG giảm 14.85%: QCG trải qua tuần giao dịch đầy bi quan khi đà tăng của cổ phiếu bị chững lại và lao dốc mạnh với 4/5 phiên giảm trong tuần qua. Ngoài ra, khối lượng giao dịch trồi sụt thất thường cho thấy tâm lý không ổn định của nhà đầu tư. Hiện tại, chỉ báo MACD đã xuất hiện tín hiệu bán nên đà giảm sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

- Thị trường Upcom

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng 1 duy nhất ngày cuối tuần 26/4 và bán ròng 4 phiên. Tổng cộng, khối này đã mua ròng 130.700 đơn vị, giảm 88,8% so với tuần trước; tổng giá trị là bán ròng 52,69 tỷ đồng, trong khi tuần trước mua ròng 35,62 tỷ đồng.

Trong đó, khối này mua vào 2,89 triệu đơn vị, giá trị đạt 74,32 đồng (giảm 24,46% về lượng và 38,53% về giá trị so với tuần trước) và bán ra 2,75 triệu đơn vị, giá trị 127,01 tỷ đồng (tăng 7,89% về lượng và 58,39% về giá trị so với tuần trước)

Chỉ số

Điểm

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,209,52

620,884,392

15,488,39

699,501,226

16,592,72

HNX-Index

226,82

69,655,109

1,393,52

73,871,386

1,427,22

            Thị trường Bất động sản

Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, đến hết ngày 20/4, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 1,6 tỷ USD (tỷ trọng 22,5%). Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản năm nay đã tăng gấp hơn 4 lần.

Cục Thống kê Tp. HCM đánh giá thị trường bất động sản thành phố đầu năm đến nay có tín hiệu khởi sắc. Doanh thu lĩnh vực này 4 tháng qua ước đạt 80.845 tỷ đồng, cao hơn gần 10% so với cùng kỳ 2023. Sở Tài nguyên - Môi trường tp. HCM cho biết cơ quan này đã xử lý hơn 120.000 hồ sơ giao dịch nhà đất trong 4 tháng đầu năm, tăng 13% so với cùng kỳ 2023, tương đương 15.000 hồ sơ. Giao dịch chủ yếu là giữa các cá nhân, tập trung lớn nhất ở 4 địa phương là Thành phố Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12 và huyện Củ Chi. Cùng với mua bán, nhu cầu xây dựng của người dân đang rất cao, theo Sở Xây dựng TP HCM. Đến hết tháng 4, Sở đã cấp hơn 5.700 giấy phép xây dựng, tăng 419 giấy so với cùng kỳ, với tổng diện tích đạt trên 1,3 triệu m2 sàn.

Bộ Xây dựng yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra những dự án, khu chung cư tăng giá bất thường. Nếu có hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ và các hành vi vi phạm Luật kinh doanh bất động sản, Hà Nội cần chấn chỉnh, xử lý, báo cáo bộ. Đề nghị được đưa ra trong bối cảnh giá chung cư Hà Nội tăng nóng từ cuối năm ngoái đến nay. Dữ liệu của CBRE cho biết giá bán căn hộ mới tại Hà Nội tăng 19%, đạt trung bình 56 triệu đồng mỗi m2, chưa gồm VAT và phí bảo trì. Trên thị trường thứ cấp, giá bán chung cư chuyển nhượng cũng tăng cao nhất từ trước đến nay, tăng 17% theo năm.

Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo, SRTC