Trang chủ >

Thông tin - Sự kiện

Sinh hoạt khoa học: “Kinh tế - tài chính Việt Nam năm 2023 – 2024: giải pháp đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

        Ngày 31/5/2023, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán (NCKH&ĐTCK) đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học “Kinh tế - tài chính Việt Nam năm 2023 – 2024: giải pháp đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước”, đây là một trong chuỗi công tác nghiên cứu khoa học của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) năm 2023.

TS. Cấn Văn Lực đang trình bày "Cơ hội, triển vọng kinh tế Việt Nam 2023-2024; Thị trường chứng khoán Việt Nam 2023 và giải pháp đối với UBCKNN"

     Đến tham dự buổi sinh hoạt có sự hiện diện của Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Trung tâm NCKH&ĐTCK – Chủ trì buổi sinh hoạt; cùng sự góp mặt của đông đảo các cán bộ, chuyên viên là đại diện các Vụ, Cục thuộc UBCKNN, Trung tâm NCKH&ĐTCK, Tạp chí Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Diễn giả tại buổi sinh hoạt là TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV.

     Tại buổi sinh hoạt, TS. Cấn Văn Lực đã trình bày những vấn đề về tăng trưởng kinh tế thế giới 2023 - 2024; Cơ hội, triển vọng kinh tế Việt Nam 2023-2024; Thị trường chứng khoán Việt Nam 2023 và giải pháp đối với UBCKNN. Cụ thể:

-    Về Kinh tế thế giới 2023 - 2024: Lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh, tuy nhiên xung đột địa chính trị kéo dài và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ làm tăng rủi ro thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng; rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu; giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính – tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu manh manh hơn → tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dung, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam.

-     Về triển vọng Kinh tế Việt Nam năm 2023 - 2024: nền tảng vĩ mô và kinh nghiệm phòng chống dịch, quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dự địa chính sách vẫn còn; lạm phát và lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát, thị trường chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu phục hồi; kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng được đẩy mạnh; cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế được thúc đẩy (sửa đổi các luật). Diễn giả cũng đề cập đến các rủi ro, thách thức đối với kinh tế Việt Nam năm 2023: tác động xấu từ kinh tế thế giới; mặt bằng lãi suất đang giảm nhưng còn cao; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn (pháp lý, nguồn vốn, nhân sự …); cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng gặp nhiều thách thức; rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa.

Bà Phạm Thúy Lan - Trưởng phòng QLNCKH, Trung tâm NCKH&ĐTCK phát biểu giới thiệu buổi sinh hoạt khoa học

   -     Phần nội dung về thị trường chứng khoán Việt Nam, diễn giả đưa ra các số liệu về TTCK trong giai đoạn trước và đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023:

●Về cơ hội

+ Lạm phát và lãi suất giảm, tỷ giá cơ bản ổn định

+ Pháp lý đã và đang được tháo gỡ

+ Chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ

+ Chiến lược tăng trưởng xanh, tài chính xanh được ban hành

+ Sản phẩm, dịch vụ chứng khoán mới được bổ sung

+ Doanh nghiệp niêm yết dự báo phục hồi từ cuối quý 3/2023, giá chứng khoán ở mức hấp dẫn.

●Về thách thức của thị trường chứng khoán Việt Nam

+ Rủi ro, bất định tăng: rủi ro địa chính trị, lạm phát và lãi suất tăng của thế giới

+ Trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn nhiều hơn trong năm 2023-2024

+ Vấn đề vốn, tăng vốn, quản lý rủi ro của các công ty chứng khoán

+ Các chính sách chặt chẽ hơn đối với thị trường chứng khoán, đầu tư chứng khoán của các tổ chức tín dụng

+ Hành vi đầu tư, tiêu dùng của khách hàng thay đổi

+ Vấn đề làm bóng, thao túng giá, minh bạch, các vụ vi phạm vừa qua làm giảm niềm tin và vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; khâu thực thi chính sách; tâm lý sợ trách nhiệm vẫn còn phổ biên.

  • Phần giải pháp đối với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán, gồm:

+ Kiện toàn bộ máy tổ chức – nhân sự UBCKNN

+ Vận hành Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ

+ Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch

+ Thực hiện các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi năm 2025

+ Phát triển nhà đâu tư cá nhân chuyên nghiệp nhiều hơn

+ Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường

+ Xây dựng, thực thi Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến 2030  

Buổi sinh hoạt khoa học có sự góp mặt của đông đảo các cán bộ, chuyên viên là đại diện các Vụ, Cục thuộc UBCKNN, Trung tâm NCKH&ĐTCK, Tạp chí Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

       Cũng trong khuôn khổ chương trình của buổi sinh hoạt, phần nội dung trao đổi tập trung về những vấn đề liên quan đến chủ đề trên, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

        Kết thúc buổi sinh hoạt, thay mặt ban tổ chức Bà Nguyễn Thị Thanh Hương đã cảm ơn việc tạo điều kiện tổ chức từ phía Lãnh đạo UBCKNN, sự cộng tác nhiệt tình của TS. Cấn Văn Lực – diễn giả trực tiếp của buổi sinh hoạt, cũng như sự tham dự và trao đổi của cán bộ, chuyên viên đến từ các đơn vị của UBCKNN. Với thành công từ buổi sinh hoạt, Trung tâm NCKH&ĐTCK mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, cộng tác từ các chuyên gia và đại biểu tham dự để các buổi sinh hoạt khoa học trong thời gian tới sẽ thành công hơn nữa.

Nguồn: P. QLNCKH- SRTC