Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 9/1/2023 đến ngày 13/1/2023

Tin kinh tế vĩ mô

Nhằm tiếp tục hỗ trợ  người dân và doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính vừa đề xuất hàng loạt các giải pháp về thuế, phí năm 2023. Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng quyết định cho phép gia hạn chính sách giảm tiền thuê đất , mặt nước năm nay như mức áp dụng năm 2022. Các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp, sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước phải nộp của năm 2023. Đồng thời, Bộ cũng đề xuất tiếp tục giãn hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp.

Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: "Năm 2023 chúng tôi vẫn thực hiện đề xuất với Chính phủ việc gia hạn, kéo dài, giãn hoãn thời gian nộp thuế, như chính sách chúng tôi đã thực hiện trong năm 2022, đồng thời đề xuất và đã được Chính phủ chấp thuận, đó là giảm 30% tiền thuê đất, giảm bớt những khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng tôi nghĩ rằng năm 2023 phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, vướng mắc về mặt pháp lý, vướng mắc vì mặt dòng tiền, vướng mắc vì các vấn đề liên quan khác để đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển, vì năng lực của doanh nghiệp tăng lên thì năng lực của nền kinh tế cũng tăng lên, giải quyết được lao động, tăng thu được ngân sách và đảm bảo được vấn đề an sinh xã hội".

Năm 2022, nhiều gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã được thực hiện như: giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% với nhiều mặt hàng; gia hạn, miễn giảm tiền thuế, tiền thuê đất… Tổng số tiền hỗ trợ các loại thuế, phí kể trên trong năm 2022 lên đến 233 nghìn tỷ đồng. Qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Thị trường Tiền tệ        

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 9-13/1, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng giảm trong biên độ hẹp. Chốt ngày 13/1, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.602 VND/USD, giảm 3 đồng so với cuối tuần trước đó. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.422 - 24.782 VND/USD. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở 23.450 VND/USD, giá bán ở 24.780 VND/USD. Tỷ giá USD/VNĐ liên ngân hàng giảm qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 13/1, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.441 VND/USD. Tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường tự do giảm mạnh trở lại trong tuần qua.  

Đồng USD trên thị trường thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 9 tháng so với đồng EUR sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ cho thấy giá cả đang có xu hướng giảm kéo dài. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,1% trong tháng trước, đánh dấu lần giảm dữ liệu đầu tiên kể từ tháng 5/2020 khi hồi ấy nền kinh tế lao đao vì làn sóng lây nhiễm COVID-19 đầu tiên dù trước đó các nhà kinh tế đã dự báo CPU không có nhiều thay đổi. Áp lực về giá đang giảm bớt khi chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất của Fed kể từ những năm 1980 làm giảm nhu cầu và thắt chặt chuỗi cung ứng. USD Index hiện ở mức 102,24. Tỷ giá EUR/USD tăng 0,01% ở mức 1,0854. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,03% ở mức 1,2208. Tỷ giá USD so với Yen Nhật giảm 0,06% ở mức 129,23.

 - Thị trường nội tệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhanh chóng sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp thực tế để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc giải ngân, điều chỉnh điều kiện gói hỗ trợ lãi suất 2%

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn sang chương trình khác để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ, sớm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của gói hỗ trợ này để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước với khoản vay của doanh nghiệp được Chính phủ công bố hồi tháng 5/2022. Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định. Ngân hàng sẽ thực hiện giảm số lãi tiền vay.

Điều kiện để hỗ trợ là khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Theo kế hoạch đăng ký, ước tính các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỉ đồng dư nợ cho vay chỉ riêng trong năm 2022. Số tiền lãi hỗ trợ khoảng 16.035 tỉ đồng. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chương trình này chậm, hiện chỉ mới giải ngân được một phần nhỏ của gói hỗ trợ nên Chính phủ đã nhiều lần thúc giục phải đẩy nhanh.

Trong nhiều cuộc họp vừa qua, NHNN cho rằng, nguyên nhân đầu tiên khiến việc giải ngân chậm là các ngân hàng thương mại còn lúng túng để xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên lại không thuộc diện được hỗ trợ.

NHNN nước bơm ròng tiền ra thị trường sau 3 tuần hút ròng liên tiếp. Lãi suất qua đêm hiện ở mức cao, trong khi nhu cầu thanh khoản dịp giáp Tết tăng. NHNN có thể mua mạnh USD khi nguồn cung ngoại tệ khả quan.

Đảo chiều sau 3 tuần hút ròng, trong phiên giao dịch ngày 13/1,  NHNN sử dụng công cụ tín phiếu hút mạnh tổng cộng gần 20.500 tỷ đồng trên thị trường mở với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6%/năm.

Trong phiên 12/1, NHNN cũng hút về 21.500 tỷ đồng, sau khi đã hút 24.500 tỷ đồng trong phiên 11/1, 18.500 tỷ đồng trong phiên 10/1 và 25.000 tỷ đồng trong phiên 9/1. Tất cả đều có kỳ hạn 7 ngày và có lãi suất 5,5-6%.

Tổng cộng trong tuần 9-13/1, NHNN đã hút về 110.000 tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, lượng tín phiếu đáo hạn đạt gần 121.750 tỷ đồng. Như vậy, trong tuần, NHNN đã bơm ròng gần 11.750 tỷ đồng.

Cũng trong tuần 9-13/1, NHNN duy trì bơm tiền qua hợp đồng repo giấy tờ có giá tổng cộng gần 39.667 tỷ đồng và ghi nhận 5 hợp đồng repo đáo hạn, với tổng trị giá hơn 27.998 tỷ đồng. Như vậy, trong tuần từ 9-13/1 NHNN đã bơm ròng ra thị trường gần 23.428 tỷ đồng.

Trong tuần trước, NHNN đã hút ròng từ thị trường gần 97.267 tỷ đồng. Trong tuần cuối năm 2022 - từ 26-30/12, NHNN đã hút ròng từ thị trường hơn 102.633 tỷ đồng. 

NHNN bơm ròng tiền trở lại khi lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tăng cao trong hai tuần đầu năm mới, trở lên trên ngưỡng 5%/năm từ hôm 3/1 và đã lên 5,95%/năm hôm 12/1.

Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh trở lại. Hiện nguồn ngoại tệ được đánh giá khả quan nhờ lượng FDI giải ngân trong năm 2022 vẫn tăng khá mạnh, cán cân thương mại thặng dư lớn và kiều hối về nước.

Tỷ giá giảm sẽ giúp NHNN có thể chuyển ưu tiên sang ổn định lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Đây là tín hiệu tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là với hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản. Đây cũng là tin tốt cho thị trường chứng khoán.

Nỗi lo NHNN có khả năng tăng lãi suất điều hành thêm 100-150 điểm phần trăm cho tới giữa 2023 như một số dự báo trước đây đã vơi bớt.

Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 12/1/2023, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 5,95%, 1 tuần lên 6,25%, 2 tuần lên 7,66%, 1 tháng 8,19, 3 tháng lên 8,17%, 6 tháng lên 10,86và 9 tháng lên 9,61%.

 Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng trong tiếp tục tăng khá mạnh khi thị trường vàng thế giới cũng trong xu hướng đi lên, vượt trên ngưỡng 1.900 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 66,00 – 66,80 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 10/1 và cao nhất 66,45 – 67,25 triệu đồng/lượng ngày 13/1.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (23.610 đồng), giá vàng thế giới tương đương 4,61 triệu đồng/lượng, thấp hơn 12,81 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Bất động sản

So với cùng kỳ năm ngoái, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm Hà Nội và TP HCM đều bật tăng tính đến quý 4/2022. Tại thị trường TP HCM, theo thống kê của Crushman & Wakefield, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ đang hoạt động tính đến quý IV/2022 đạt hơn 1 triệu m2. Tỷ lệ lấp đầy ở phân khúc bất động sản này của thị trường TP HCM trong quý IV/2022 đạt 88%, thấp hơn khi so sánh với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, giá thuê tăng trưởng khả quan với hơn 49 USD/m2/tháng. Trong khi đó, theo báo cáo của Savills Việt Nam, thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội trong quý IV/2022 không có nguồn cung mới. Tổng nguồn cung tính đến thời điểm hiện tại đạt 1,7 triệu m2, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Mức giá thuê gộp tầng trệt đã tăng 10% so với cùng kỳ 2021, hơn 1 triệu đồng/m2/tháng. Kể từ năm 2018, giá thuê gộp tầng trệt tại khu vực trung tâm đã tăng 7% mỗi năm, trong khi các khu vực khác tăng 1% mỗi năm. Trong năm 2022, diện tích cho thuê mới đạt 63.200 m2, tăng 364% so với cùng kỳ. Trong đó, khối đế bán lẻ chiếm tỷ trọng 62%, trung tâm mua sắm chiếm 29% và trung tâm bách hóa là 9%.  

Thị trường Chứng khoán

S&P 500 và Nasdaq đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2022, chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm vào ngày thứ Sáu (13/01) khi nhà đầu tư tiếp nhận kết quả kinh doanh của các ngân hàng và dự báo rằng lạm phát sẽ giảm vào năm 2023.

Cả 3 chỉ số chính đều cố gắng vươn lên sắc xanh sau khi mở đầu phiên với sắc đỏ. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones tăng 112.64 điểm (tương đương 0.33%) lên 34,302.61 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 0.40% lên 3,999.09 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.71% lên 11,079.16 điểm.

S&P 500 và Nasdaq Composite đều tăng 2 tuần liên tiếp và ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2022. Tuần qua, Nasdaq Composite vọt 4.82%, S&P 500 tăng 2.67% và Dow Jones cộng 2%.

Kết quả lợi nhuận của các ngân hàng đã gây áp lực cho thị trường vào đầu phiên, tuy nhiên tâm lý đã thay đổi khi nhà đầu tư dường như phớt lờ những tin tức tiêu cực được dự báo ở một mức độ nào đó, theo Ross Mayfield, Chuyên gia phân tích chiến lược đầu tư tại Baird.

Wells Fargo, vốn đạt lợi nhuận trong quý vừa qua đã cắt giảm triển vọng một nửa, cho biết họ đang chuẩn bị cho tình huống nền kinh tế “trở nên tồi tệ hơn so với những quý vừa qua”.

JPMorgan Chase đã công bố doanh thu vượt kỳ vọng, nhưng ngay cả như vậy, ngân hàng vẫn cảnh báo rằng sẽ dành nhiều tiền hơn để bù đắp các khoản lỗ tín dụng vì “suy thoái nhẹ” là “trường hợp trọng tâm”. Ngân hàng đã công bố khoản dự phòng 2.3 tỷ USD cho các khoản lỗ tín dụng trong quý, tăng 49% so với quý 3/2022.

Các CEO của Citigroup và Bank of America cũng cho biết họ dự đoán sẽ có “suy thoái nhẹ”.

Trong một diễn biến khác, Delta Air Lines công bố doanh thu và lợi nhuận vượt kỳ vọng trong quý cuối cùng của năm 2022. Tuy nhiên, cổ phiếu này đã sụt 3.5%. Nhà đầu tư đang chờ đợi những kết quả này để hiểu rõ hơn về tình hình sức khoẻ của nền kinh tế.

Về dữ liệu kinh tế, cuộc khảo sát về tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy triển vọng lạm phát trong 1 năm giảm xuống 4%, tháng thứ 3 dự đoán giảm liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021.

Kết quả khảo sát được đưa ra sau báo cáo CPI tháng 12/2022 của Mỹ công bố vào ngày 12/01 cho thấy lạm phát giảm 0.1% so với tháng 11/2022. Mặc dù lạm phát vẫn tăng 6.5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng kết quả này làm tăng hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm giảm tốc độ nâng lãi suất.

Thị trường chứng khoán trong nước  

Chứng khoán tuần 09-13/01/2023 tuần giao dịch giằng co, tâm lý thận trọng hiện diện khiến khối lượng giao dịch vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp. Khối ngoại trở lại bán ròng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần khiến rủi ro sụt giảm trong ngắn hạn tăng lên.

Thị trường giao dịch trái chiều trong phiên cuối tuần, VN-Index tăng nhẹ 3.78 điểm, lên mức 1,060.17 điểm; HNX-Index giảm 0.68 điểm, xuống còn 211.26 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tăng tổng cộng 8.73 điểm (+0.83%), HNX-Index tăng 0.61 điểm (+0.29%).

Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 436 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 20.65% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình gần 51 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 16.52% so với tuần giao dịch trước.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP thế giới năm 2023 tăng trưởng ở mức 1.7%, trong khi đó, GDP Việt Nam vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 6.3%. Điều này cho thấy triển vọng kinh tế Việt Nam khá lạc quan trong năm 2023.

Tâm lý thận trọng tiếp tục chiếm ưu thế trong tuần giao dịch. VN-Index liên tục hình thành những cây nến thân nhỏ liên tiếp nhau cho thấy nhà đầu tư đang giằng co mạnh. Khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tính cho cả tuần, VN-Index tăng nhẹ 8.73 điểm, lên mức 1,060.17 điểm.

Xét theo mức độ đóng góp, hai cổ phiếu lớn là VCB và VHM có ảnh hưởng tích cực nhất khi góp tổng cộng gần 5 điểm cho VN-Index. Theo sau là các mã SABACBHPG. Ở chiều ngược lại, VICEIBMWG là những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số này.

Ngành vật liệu xây dựng có tuần giao dịch tương đối tích cực. Trong đó, nhóm cổ phiếu sắt thép cùng hiện sắc xanh như HPG tăng 2.84%, HSG tăng 3.56%, NKG tiến 6.04%. Nhóm cổ phiếu xi măng ghi nhận mức tăng ấn tượng. Cụ thể, HT1 leo dốc 16.22%, BCC tăng mạnh 11.34%, BTS nhích nhẹ lên trên tham chiếu.

Trong nhóm cổ phiếu dệt may, STK có tuần giao dịch sôi động khi leo dốc 14.31%. Các mã khác trong nhóm như VGTTNG hay MSH đều hiện sắc xanh tích cực. Theo Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, xuất khẩu dệt may sẽ duy trì tăng trưởng tích cực với tốc độ tăng trưởng đạt 6.8-7.0%/năm giai đoạn 2021-2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt 7.2-7.7%/năm. Thông tin trên cho thấy triển trọng trong dài hạn của nhóm cổ phiếu này là khá lạc quan.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 1,449 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng hơn 1,560 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng gần 112 tỷ đồng trên sàn HNX.

HT1 tăng 16.22%: Cổ phiếu HT1 có tuần giao dịch ấn tượng khi tiến tốt hơn 16%. Giá cổ phiếu đã vượt hoàn toàn lên đường SMA 100 ngày nên xu hướng tăng trong trung hạn càng được củng cố. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch liên tục vượt mức trung bình 20 ngày gần nhất cho thấy dòng tiền đang có sự trở lại với cổ phiếu này.

KSB tăng 13.3%: Cổ phiếu KSB có tuần tăng giá tốt và tiến lên test lại vùng 22,000-23,800 (tương đương đáy cũ tháng 07/2022). Nếu giá cổ phiếu vượt qua được ngưỡng này thì tình hình sẽ trở nên tích cực hơn.

EIB giảm 8.36%: Sau khi test lại đường SMA 100 ngày, giá cổ phiếu EIB đã liên tục giảm. Chỉ báo MACD cho bán mạnh nên triển vọng trong ngắn hạn không mấy lạc quan.

Thị trường Upcom

Trên thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng 5 phiên. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 1,96 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 28,18 tỷ đồng, tăng mạnh so với tuần trước đó chỉ mua ròng 101.490 đơn vị, giá trị mua ròng là 2,11 tỷ đồng.

Cụ thể, khối này đã mua vào 3,35 triệu đơn vị, giá trị 62,91 tỷ đồng (tăng 127,14% về lượng và 84,43% về giá trị so với tuần trước); đồng thời bán ra 1,39 triệu đơn vị, giá trị 34,73 tỷ đồng (tăng 1,16% về lượng và 8,53% về giá trị so với tuần trước).

Chỉ số

Điểm

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1.060.17

670,231.695

12,394,76

548,670,001

9,638.66

HNX-Index

211,26

64,492.526

879,03

56,370,332

868.4

UpCom-Index

72,09

 

45.964.700

423,9

 

30,963,131

 

372,26

Nguồn: Phòng Phân tích Dự báo, SRTC