Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 30/8/2021 đến ngày 3/9/2021

Tin kinh tế vĩ mô

Bộ Tài chính đã có công văn gửi xin ý kiến các bộ, ngành góp ý cho dự thảo Nghị định quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử. Bộ Tài chính cho biết hiện nay thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam. Qua theo dõi của cơ quan hải quan, số lượng hàng giao dịch qua thương mại điện tử phát triển nhanh, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh và vào các dịp lễ, giảm giá.

Dựa trên kết quả thống kê của cơ quan hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử làm thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh thuộc Cục Hải quan Hà Nội đạt kim ngạch 1,025 tỷ USD.

Hàng hoá giao dịch thương mại điện tử chủ yếu là hàng hoá phục vụ tiêu dùng, hàng giá trị nhỏ và hiện nay chủ yếu được các hãng chuyển phát nhanh vận chuyển, làm thủ tục và giao cho khách hàng mua.

Tuy nhiên, chính sách hiện hành chưa quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử. Một trong những nội dung nổi bật trong dự thảo là chính sách thuế đối với hàng hóa giao dịch qua kênh này.

Để đảm bảo cho công tác quản lý hải quan và cũng tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch qua thương mại điện tử, Bộ Tài chính đề nghị miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống.

Hiện tại, Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định, hàng hoá gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có giá trị hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, nghị định chưa có các quy định cụ thể số lần hoặc cụ thể lô hàng được miễn thuế. Điều này dẫn đến có hiện tượng người khai hải quan lợi dụng chính sách này để chia nhỏ lô hàng nhằm trốn thuế.

Do vậy, để tương đồng với hàng hoá gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh, Bộ Tài chính đề nghị miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống. Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 1 triệu đồng cũng được miễn thuế nếu có tổng số tiền thuế nhập khẩu dưới 100.000 đồng. Song, mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được miễn thuế không quá 1 đơn hàng/ngày và 4 đơn hàng trên/tháng.

Trường hợp hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo đơn hàng trên 1 triệu đồng và tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp trên 100.000 đồng thì phải nộp thuế nhập khẩu đối với toàn bộ trị giá hàng hóa nhập khẩu.

Bên cạnh đó, trong dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn quản lý, kiểm tra chuyên ngành 1 đơn hàng/ngày và không quá 4 đơn hàng/tháng đối với hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua sàn TMĐT có giá trị đơn hàng theo từng mặt hàng trong đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống hoặc 5 triệu đồng với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc (trừ hàng hóa kiểm dịch, hàng hóa thuộc danh mục quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Bộ Tài chính đánh giá, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng. Hiệp hội thương mại điện tử tại báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) đánh giá tốc độ tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam là 25-30% trong 5 năm gần đây. Nếu vẫn duy trì được mức tăng trưởng này, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tới năm 2025 sẽ đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan.

Thị trường Tiền tệ        

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 30/08 - 01/09, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm khá mạnh ở cả 3 phiên giao dịch. Chốt tuần, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.109 VND/USD, giảm mạnh 33 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 22.750 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.752 VND/USD. Trong tuần qua, tỷ giá liên ngân hàng vẫn tiếp tục xu hướng giảm của các tuần trước đó. Chốt phiên cuối tuần 1/09, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 22.773 VND/USD, giảm mạnh 32 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do biến động trái chiều, chốt tuần giảm 60 đồng ở chiều mua vào trong khi tăng 40 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 22.950 VND/USD và 23.150 VND/USD.

Tuần qua, tỷ giá USD giao dịch ở mức thấp do dữ liệu thống kế cho thấy sự suy yếu trong nền kinh tế của Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Cụ thể, chỉ số PMI của Trung Quốc đã giảm xuống 49,2 trong tháng 8, dưới mốc 50. Điều này chỉ ra tăng trưởng kinh tế của quốc gia này đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020. USD Index đã tăng 0,01% lên 92,513 trong phiên giao dịch cuối tuần. Tỷ giá euro so với USD tăng 0,04% lên 1,1842. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,02% lên 1,3771.Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,05% lên 110,05.

- Thị trường nội tệ

Thống kê mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lượng tiền gửi từ dân cư tăng thấp kỷ lục, trong khi lượng tiền từ doanh nghiệp lại tăng cao. Tổng tiền gửi của dân cư là gần 5,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,94%; tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt hơn 5,1 triệu tỷ đồng, tăng 4,78% so với cuối năm 2020. Nguyên nhân bởi các doanh nghiệp đang khó khăn trong việc kinh doanh, do thị trường co hẹp lại, giao thương bị hạn chế, doanh nghiệp không thể đầu tư mua nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa. Vì thế, tiền bán hàng thu về, tiền vốn phải tạm giữ trong ngân hàng, không thể chuyển thành dòng tiền kinh doanh. Điều này phần nào có thể ảnh hưởng đến năng lực, lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm nay. Ở chiều ngược lại, rủi ro dịch bệnh cùng với nhu cầu tích trữ không chỉ là thực phẩm mà còn cả tiền mặt, đã ảnh hưởng lên số dư tiền gửi của khách hàng cá nhân. Dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng thực hiện dự trữ bắt buộc 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 12 tháng; 1% đối với khoản tiền gửi trên 12 tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng có thể được giảm trong một số trường hợp.

Việc hạ dự trữ bắt buộc để “bơm” tiền cho thị trường là một công cụ của chính sách tiền tệ phổ biến trên thế giới, giúp thị trường có thêm nguồn vốn lưu thông. Hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ này đang được thực hiện là 3%, nghĩa là các ngân hàng thương mại huy động được 100 đồng thì được giữ 97 đồng, còn 3 đồng để tại Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ 3% là con số nhỏ, nhưng trong tổng huy động của hệ thống, số tiền này rất lớn. Tỷ lệ 3%, các ngân hàng không được hưởng lãi suất, nên phần gửi này cao thì chi phí vốn của ngân hàng sẽ cao. Huy động trên thị trường ít nhiều đều phải trả lãi, mà phần này gửi Ngân hàng Nhà nước không được hưởng lãi, thì đây rõ ràng là chi phí. Nếu giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, ngân hàng sẽ có thêm nguồn vốn, chi phí vốn giảm đi thì có thể hạ lãi suất cho vay.

Ngoài việc nhằm hỗ trợ khách hàng đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thì trong bối cảnh thanh khoản dồi dào trở lại nhưng tín dụng lại rơi vào trì trệ khi nhu cầu vay vốn của khách hàng đang suy yếu, việc giảm lãi suất cho vay được xem là chính sách kích thích hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Mới đây các ngân hàng tiếp tục mạnh tay giảm để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt tập trung ưu tiên các khách hàng tại các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, với mức giảm từ 0,5-1 điểm phần trăm/năm. Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tháng, thị trường đã chứng kiến hai đợt giảm lãi suất cho vay tại một số ngân hàng, với tổng mức giảm có thể lên đến 1-2 điểm phần trăm/năm. Bên cạnh đó, một số ngân hàng tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi, với lãi suất vay vốn thấp nhất chỉ từ 4%/năm. Không loại trừ khả năng nhóm NHTM tư nhân sẽ tiếp bước theo sau trong thời gian tới, khi mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành công văn về việc thực hiện giảm lãi suất cho vay và miễn phí dịch vụ ngân hàng, đồng thời cho biết sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất tại các ngân hàng, để xem nó có thực chất hay không, từ đó làm cơ sở xem xét và có chính sách khuyến khích hoặc hạn chế một số nội dung trong hoạt động tín dụng của ngân hàng trong năm 2022.

Có thể thấy rằng chính sách giảm lãi suất cho vay tại các ngân hàng đã được thực hiện nghiêm túc hơn trong những tháng qua. Cùng với đó, chính sách cơ cấu nợ cũng được đẩy mạnh hơn khi khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh. Ngoài việc nhằm hỗ trợ khách hàng đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thì trong bối cảnh thanh khoản dồi dào trở lại nhưng tín dụng lại rơi vào trì trệ khi nhu cầu vay vốn của khách hàng đang suy yếu, việc giảm lãi suất cho vay được xem là chính sách kích thích hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Ngoài nguồn vốn huy động qua kênh phát hành trái phiếu của các ngân hàng và lượng thanh khoản tiền đồng khổng lồ được bơm qua kênh mua ngoại tệ của NHNN, hệ thống cũng chứng kiến một lượng lớn thanh khoản ròng từ các trái phiếu chính phủ (TPCP) đáo hạn trong những tháng qua.

Diễn biến lãi suất giảm còn lan tỏa qua thị trường huy động từ dân cư, khi thanh khoản dồi dào, cùng với tăng trưởng huy động vốn nhanh trở lại do dịch bệnh làm tăng nhu cầu an toàn, cũng góp phần giúp các ngân hàng có động thái điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi trở lại trong hai tháng qua. Xu hướng này đến lượt mình lại giúp các ngân hàng có thể ổn định chi phí vốn đầu vào, nếu không muốn nói là tiếp tục giảm được chi phí vốn, kéo theo hệ quả là có thêm điều kiện để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 3108/2021, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 0,63%/năm, 1 tuần lên 0,81%/năm, 2 tuần lên 0,98%/năm, 1 tháng 1,66%/năm, 3 tháng lên 1,78%/năm, 6 tháng lên 2,45%/năm, 9 tháng lên 2,89%/năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đối với tiền gửi tiết kiệm hiện nay cao hơn thị trường liên ngân hàng.  

Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng trong nước diễn biến với xu hướng giảm, ngược lại với xu hướng tăng giá trên thị trường vàng thế giới. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 56,65 – 57,35 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 3/9 và cao nhất 56,70 – 57,40 triệu đồng/lượng ngày 31/8.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (22.880 đồng), giá vàng thế giới tương đương 49,89 triệu đồng/lượng, thấp hơn 7,81 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Bất động sản

Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) mới đây đã đề xuất lên Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan bổ sung nhóm ngành BĐS, trong đó có dịch vụ môi giới BĐS vào nhóm ngành được hưởng đầy đủ các chính sách của nhà nước. Đồng thời, được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp, bảo hiểm xã hội và một số nghĩa vụ khác. Hội này cũng mong muốn giảm 50% thuế thu nhập cho doanh nghiệp sàn giao dịch BĐS có phát sinh từ tháng 5 đến hết năm 2021. Bên cạnh đó, có chính sách để các ngân hàng giảm tiến độ trả nợ, điều chỉnh lãi suất hợp lý, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực cho phí và chống đỡ khó khăn trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch. Ngoài ra, Hội cũng đề nghị chủ dự án hỗ trợ, tạo điều kiện, không phạt hợp đồng nếu các sàn chưa thực hiện đúng cam kết tiến độ bán hàng do phải thực hiện giãn cách xã hội. Đồng thời, đề nghị chủ dự án không nợ phí môi giới của các sàn giao dịch, sớm thanh toán hoặc thanh toán một phần đề các sàn giao dịch có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Theo VARS, do ảnh hưởng bởi dịch, từ năm 2020 đến nay có tới 28% sàn giao dịch BĐS có nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. 

Thị trường Chứng khoán

- Thị trường chứng khoán thế giới

Chỉ số Dow Jones quay đầu giảm điểm vào ngày thứ Sáu (03/9) và chỉ số S&P 500 rút khỏi mức cao kỷ lục sau báo cáo việc làm tháng 8 không được như kỳ vọng, cho thấy tác động của sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Covid-19 Delta. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones mất 74.73 điểm (tương đương 0.21%) còn 35,369.09 điểm, còn chỉ số S&P 500 hạ 0.03% xuống 4,535.43 điểm sau khi giữ mức tăng nhẹ trong phiên buổi chiều. Thị trường đã được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu công nghệ, nhóm cổ phiếu này đã giúp Nasdaq Composite tiến 0.21% lên 15,363.52 điểm. Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 235,000 việc làm trong tháng 8, thấp hơn nhiều so với dự báo 720,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Báo cáo đánh dấu sự suy giảm đáng kể từ con số điều chỉnh tháng 7 là 1.053 triệu việc làm và được đưa ra khi một số tiểu bang và thành phố áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế y tế do sự lây lan biến thể Delta.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã nhấn mạnh sự cần thiết có thêm dữ liệu việc làm mạnh mẽ hơn trước khi ngân hàng nhà nước bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu phỏng lồ, và báo cáo đáng thất vọng này có thể thay đổi kỳ vọng về thời điểm Fed sẽ bắt đầu quá trình thắt chặt. Giám đốc đầu tư tại Independent Advisor Alliance, cho biết trong một lưu ý: “Nhiều người tin rằng Fed sẽ thông báo các kế hoạch thắt chặt tại cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) trong tháng này và điều đó không có khả năng xảy ra nữa”. Ngân hàng trung ương cũng sẽ xem xét mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động kinh tế và tuyển dụng trong tháng 8. Biến thể Delta là một ẩn số đối với nền kinh tế, và ảnh hưởng của nó có thể là một yếu tố khiến Fed lung lay khi xem xét những bước đầu tiên rút lại chính sách nới lỏng. Giải trí và khách sạn, vốn là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch vào năm 2020, không tạo ra thêm việc làm nào trong tháng 8, theo báo cáo.

Đà tăng nhẹ của các cổ phiếu công nghệ lớn bao gồm Apple và Nvidia đã hỗ trợ các chỉ số thị trường. Nhóm cổ phiếu xây dựng nhà bao gồm Lennar và PulteGroup chịu áp lực, cùng với nhóm cổ phiếu du lịch. American Express là cổ phiếu thành phần có thành quả kém nhất thuộc Dow Jones khi nhóm cổ phiếu tài chính gặp khó khăn. Trong một cuộc họp báo Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói về mức tăng việc làm bình quân hàng tháng kể từ khi ông nhậm chức và sự suy giảm số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, đồng thời kêu gọi người dân tiêm vắc-xin nhiều hơn và để Quốc hội thông qua các dự luật ngân sách và cơ sở hạ tầng. Ông Biden cũng cho biết các bang nên xem xét sử dụng tiền cứu trợ liên bang để gia hạn các khoản trợ cấp thất nghiệp nâng cao, vốn sẽ hết hạn trong tuần này.

Nasdaq Composite là chỉ số tăng mạnh nhất trong tuần qua, cộng 1.5%. S&P 500 tăng 0.6%, trong khi Dow Jones mất 0.2%.

- Thị trường chứng khoán trong nước  

VN-Index có phiên cuối tuần giao dịch ít biến động khi chỉ loanh quanh ở mức tham chiếu nhưng xét trong cả tuần, chỉ số vẫn tăng điểm khá tốt với tổng cộng mức tăng lên đến 21.45 điểm. Khối lượng giao dịch cải thiện đáng kể cùng với đà tăng ổn định của VN-Index là điểm tích cực của thị trường trong tuần qua. Tuy nhiên, khối ngoại vẫn duy trì bán ròng, với giá trị hơn 1,143 tỷ đồng cho cả tuần, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa thật sự tin tưởng vào đà phục hồi của VN-Indextrong ngắn hạn.

Giao dịch trong phiên cuối tuần, VN-Index tăng 0.24% lên mức 1,334.65 điểm; HNX-Index tăng 0.18%, lên mức 343.42 điểm. Xét cho cả tuần cả hai chỉ số giao dịch cùng tăng, VN-Index tăng tổng cộng 1.63% và HNX-Index thì tăng ở mức 1.37%. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 680 triệu cổ phiếu/phiên, tăng mạnh 15.55%. Sàn HNX đạt trung bình gần 138 triệu cổ phiếu/phiên, tăng nhẹ 1.14%.

Trái hẳn với tâm lý chốt lời trước khi đi vào tuần nghỉ lễ như các năm trước, VN-Indextrong tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ 2-9 đã có liên tiếp cho mình 3 phiên giao dịch tăng điểm. Ở phiên đầu tuần, VN-Index tăng mạnh 1.14% với sắc xanh trải đều ở nhiều ngành nghề khác nhau trong đó đáng chú ý nhất là ngành thủy sản và chăm sóc sức khỏe. VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng ở hai phiên kế đó, để nới rộng những điểm tăng của phiên đầu tuần và qua đó có cho mình tổng cộng 21.45 điểm tăng, lên mức 1,334.65 điểm.

Nhóm khai khoáng có tuần giao dịch rất sôi động khi tăng mạnh ở mức 6.43%. Trong nhóm này, sự chú ý đổ dồn về các cổ phiếu liên quan tới than và đá. Giá than tiếp tục bay cao và phá vỡ kỷ lục giá là động lực giúp những cổ phiếu than bật tăng mạnh mẽ. Ngoài ra, nhà đầu tư còn kỳ vọng vào việc đẩy mạnh đầu tư công trong tương lai gần của Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh đá hưởng lợi.

Nhóm ngành thủy sản cũng là một trong những nhóm tăng tốt nhất tuần qua với mức tăng 6.35%. Theo VASEP, trong hơn 1 tháng vừa qua, công suất sản xuất trung bình của các doanh nghiệp thủy sản giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy; mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu; chi phí đầu vào và chi phí vận tải tăng…hàng loạt khó khăn chồng chất sẽ là gánh nặng cho cộng đồng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Trong tháng 8/2021, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 35-40% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ kết quả xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng cao nên tính cộng dồn 8 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản vẫn tăng khoảng 6% đạt 5.5 tỷ USD. Nhờ vậy, nhiều cổ phiếu trong ngành này vẫn tăng giá. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1,143 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng gần 1,199 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng gần 57 tỷ đồng trên sàn HNX.

  • Thị trường Upcom

Đầu phiên, thị trường chứng kiến áp lực chốt lời dâng cao tại nhóm ngân hàng và chứng khoán khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm.

Độ rộng thị trường đang nghiêng về bên bán nhưng thị trường vẫn đang giằng co quanh tham chiều để tìm lại điểm cân bằng. Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt gần 29.217 tỷ đồng, tương đương 972 triệu đơn vị cổ phiếu được giao dịch. Đóng cửa phiên 1/9, UPCoM-Index tăng 0,26% lên 94,01 điểm, thị trường dịch khởi sắc trở lại nhờ sự hồi phục của nhóm ngân hàng.

Chỉ số

ĐIỂM

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD

bình quân/phiên

trong tuần

GTGD

bình quân/phiên

trong tuần

Vn-Index

1,334.65

719,955.649

24,495.51

710,107.264

22,925.40

HNX-Index

343.42

141,022.982

2,832.02

145,545,283

2,985.37

UpCom-Index

94,01

111,084.395

2.070,00

62,781,922

1,205,4

                                                                                                    Nguồn: Phòng Phân tích-Dự báo, SRTC