Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 26/7/2021 đến ngày 30/7/2021

Tin kinh tế vĩ mô

Gần đây, Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố một tuyên bố ngoại giao chung giữa 2 nước. Theo đó, Mỹ sẽ không không áp đặt các mức thuế cứng nhắc đối với Việt Nam. Quyết định trên đã giải tỏa nỗi lo của các nhà đầu tư và mở đường cho sự tăng giá bền vững về giá trị của đồng tiền Việt.

Thực tế, việc dỡ bỏ thuế quan sẽ khuyến khích dòng vốn FDI, đồng thời thỏa thuận này giữa 2 nước cũng sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho Việt Nam trong dài hạn thông qua việc:

Thứ nhất, thỏa thuận sẽ khuyến khích dòng vốn từ các nhà đầu tư tài chính nước ngoài (FII) vì những nhà đầu tư đó thường ưu tiên các quốc gia có đồng tiền ổn định hoặc tăng giá.

Thứ hai, điều này có thể thuyết phục các doanh nghiệp địa phương cải thiện khả năng cạnh tranh của công ty mình.

Cuối cùng, nâng cao mức sống cho người tiêu dùng địa phương bằng cách thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế trong nước của Việt Nam. “Những con hổ châu Á” phát triển thịnh vượng nhờ sản xuất xuất khẩu, nhưng hầu hết các quốc gia đó phụ thuộc vào sản xuất theo định hướng xuất khẩu quá lâu, dẫn đến việc định giá đồng tiền của họ bị điều chỉnh thấp hơn một cách có chủ đích trong nhiều năm.

Khi một quốc gia hạ giá đồng tiền của mình một cách có chủ đích để hỗ trợ xuất khẩu, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng (ví dụ, tiêu dùng trung bình chiếm 53%/GDP ở Trung Quốc trong 10 năm qua so với gần 70% ở Mỹ), và khi tiền tệ được định giá thấp sẽ tạo ra sự kém hiệu quả và các động lực bị biến dạng mà cuối cùng gây bất lợi cho hầu hết các công ty nội địa.

Ngược lại, đồng tiền tăng giá của Việt Nam sẽ giúp đất nước thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình" bằng cách khuyến khích đổi mới vì các công ty trong nước sẽ không thể dựa vào mức tỷ giá hối đoái rẻ để cạnh tranh. Tuy nhiên, lương công xưởng của Việt Nam thấp hơn 2/3 so với ở Trung Quốc, vì vậy Việt Nam sẽ vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh trong nhiều năm tới.

Thị trường Tiền tệ        

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 26/07 - 30/07, Ngân hàng nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng nhẹ tỷ giá trung tâm ở 3 phiên đầu tuần, sau đó giảm mạnh 2 phiên cuối tuần. Chốt tuần, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.180 VND/USD, giảm mạnh 29 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 22.975 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.825 VND/USD. Tỷ giá liên ngân hàng (LNH) biến động theo xu hướng giảm trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 30/07, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.960 VND/USD, giảm mạnh 50 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tương tự, trong tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do cũng biến động giảm qua các phiên. Chốt tuần 30/07, tỷ giá tự do giảm mạnh 90 đồng ở chiều mua vào và 85 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.110 – 23.165 VND/USD.

Tỷ giá USD có xu hướng đi lên khi thị trường chứng khoán trượt dốc và Mỹ công bố những dữ liệu kinh tế lạc quan của nước này. Trong phiên giao dịch cuối tuần, USD Index tăng 0,24% lên 92,095. Tỷ giá euro so với USD giảm 0,13% xuống 1,1871. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,42% xuống 1,3902. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,24% lên 109,72.

- Thị trường nội tệ

Thời gian gần đây, các tổ chức tín dụng đã nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt về vốn, qua đó hệ số an toàn vốn (CAR) tăng mạnh và đáp ứng chuẩn Basel 2. Ngoài ra, với quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung đầu tư công nghệ, kỹ thuật số, nền tảng thanh toán online, giờ đây không chỉ doanh nghiệp mà người dân cũng bắt đầu sử dụng dịch vụ của ngân hàng nhiều hơn. Điều này thấy rõ nhất ở yếu tố tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, nguồn vốn chi phí rẻ này giúp kéo giãn biên lãi thuần (NIM), qua đó thúc đẩy lợi nhuận. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, phần lớn các doanh nghiệp không đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh thay vào đó để tiền trong tài khoản phòng ngừa nhiều hơn. CASA tăng dẫn đến chi phí vốn giảm, hỗ trợ thu nhập từ lãi tăng. Đáng chú ý, các nguồn thu ngoài lãi như thu phí bảo hiểm, bảo lãnh, thu xếp hợp vốn, giấy tờ có giá cũng được các ngân hàng tích cực đẩy mạnh.

Mặt khác, việc xử lý nợ xấu hiệu quả những năm vừa qua đã tạo luân chuyển vốn, nhiều ngân hàng hưởng lợi từ khoản tăng lãi bất thường. Thậm chí, Thông tư 01 và Thông tư 03 còn giúp ngân hàng không phải trích lập nợ xấu luôn mà được trích lập từng khoản nhỏ góp phần giảm áp lực chi phí cho hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng hoạt động tốt trong 2 năm vừa qua nhờ vào 4 yếu tố chính. Thứ nhất, trong cuộc khủng hoảng lần này, hệ thống tài chính vẫn đang hoạt động tốt nhờ chính sách của Nhà nước can thiệp kịp thời hỗ trợ nền kinh tế, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Thứ hai, trong 2 năm vừa qua, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng khả quan với GDP trên 6%, lạm phát và tỷ giá được duy trì ổn định giúp ngành ngân hàng hoạt động tốt. Thứ ba, việc xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, phần lớn các ngân hàng đã xử lý được nợ xấu bán cho VAMC giúp nâng cao nền tảng của ngân hàng tốt hơn. Thứ tư, các ngân hàng đã mở rộng các sản phẩm dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu. Trước đây, thu tín dụng trên 90% thì đến nay các ngân hàng đã giảm được sự phụ thuộc vào tín dụng. Đây là nền tảng giúp ngân hàng hoạt động tốt, hạn chế nợ xấu phát sinh. Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng luật theo hướng tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42 còn phù hợp; cùng với đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị quyết số 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc.

Ngân hàng Nhà nước cho biết trong tháng 7/2021 có 78 ngân hàng; 22 công ty tài chính, cho thuê tài chính, tín dụng vi mô và 294 quỹ tín dụng cắt giảm thu nhập hỗ trợ doanh nghiệp. Các chuyên gia đề xuất nên lập tổ hợp tín dụng cho vay tín chấp để cứu doanh nghiệp vượt qua khốn khó do đại dịch. Với khối ngân hàng tư nhân, hiện chưa cập nhật được con số miễn giảm lãi suất tiền vay và các loại phí là bao nhiêu, ngoài thông báo mức giảm lãi suất khoảng trên 1%/năm đối với khoản vay hiện hữu và vay mới. Như vậy, một khi hạ lãi suất cho vay, các ngân hàng buộc phải cắt giảm lợi nhuận và nhà điều hành sẽ hỗ trợ bằng cách cho phép ngân hàng tăng số lượng khoản vay, tức giảm chất nhưng tăng lượng.

Với việc lãi suất đầu ra giảm, lãi suất đầu vào lại tăng, biên lợi nhuận ròng (NIM) ở một số ngân hàng sẽ bị giảm rất mạnh. Do đó, cho dù đã được phép cho vay với số lượng nhiều hơn thì các ngân hàng cũng phải rất đắn đo trong việc giảm lãi suất cho vay. Chưa kể rằng việc nới room tín dụng không đồng nghĩa nới lỏng các điều kiện tiếp cận khoản vay. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng cao hơn nữa khi thời hạn Thông tư 03 kết thúc. Ngược lại, phần còn lại chưa có đơn vị nào đưa ra con số giảm cụ thể, thay vào đó là các bản thông báo chỉ đề cập đến mức lãi suất được giảm. Thậm chí, tại nhiều ngân hàng, “chiêu” bài tung ra gói tín dụng ưu đãi lại xuất hiện. Hiện nay, cung cầu không còn được như trước, tổng cầu giảm rất lớn do dịch Covid-19 gây ra, chỉ mặt hàng thiết yếu người ta mới mua nên các ngành khác hết sức khó khăn. Việc giảm từ 1 - 2% là rất tốt, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí và duy trì hoạt động. Tuy nhiên, việc ngân hàng thương mại hạ lãi suất để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, của Chính phủ mà lại nâng rào cản kỹ thuật thì doanh nghiệp cũng không mặn mà. Khi vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp bắt buộc phải có điều kiện đi kèm như tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh, hồ sơ giấy tờ. Doanh nghiệp thà chấp nhận việc lãi suất có thể cao hơn nhưng thủ tục đơn giản, điều kiện cho vay không phức tạp hơn là việc được giảm lãi suất nhưng điều kiện đi kèm khó khăn. Chưa kể, ngân hàng cũng phải cân đối dòng tiền, tránh nợ xấu nhưng hiện trạng doanh nghiệp hiện nay là cạn kiệt tài sản bảo đảm nên ngân hàng có thể xem xét tăng giải ngân cho doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi nhiều hơn. Trong bối cảnh chính sách tài khoá và tiền tệ không còn nhiều dư địa tăng trưởng, quỹ bảo lãnh tín dụng đó bảo lãnh cho các ngân hàng để các ngân hàng dùng tiền của mình cho doanh nghiệp vay. việc ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho doanh nghiệp là rất tích cực. Tuy nhiên, lãi suất phải vận động theo quy luật thị trường, lãi suất cho vay phụ thuộc nhiều vào lãi suất huy động, nếu cố gượng ép giảm lãi suất đầu vào sẽ khiến dòng tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng.

Giảm lãi suất chỉ giảm bớt phần nào gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp tồn tại qua dịch Covid-19, cơ quan chức năng phải có giải pháp đồng bộ như đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động sớm, miễn tiền thuê đất, miễn một số loại phí, thuế. Chỉ khi nào doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại, nền kinh tế mới thực sự phục hồi.

Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 30/7/2021, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Cụ thể, lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 0,97%/năm, 1 tuần lên 1,26%/năm, 2 tuần lên 1,29%/năm, 1 tháng 1,57%/năm, 3 tháng lên 1,97%/năm, 6 tháng lên 2,82%/năm, 9 tháng lên 3,83%/năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đối với tiền gửi tiết kiệm hiện nay cao hơn thị trường liên ngân hàng. Lãi suất từng ngân hàng có sự cạnh tranh rõ rệt hơn khi nhảy lên cao.

Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng trong nước có xu hướng giảm theo giá vàng thế giới với phiên giảm sâu vào giữ tuần, sau đó hồi phục nhẹ vào cuối tuần. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 56,50 – 57,20 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 28/7 và cao nhất 56,80 – 57,45 triệu đồng/lượng ngày 26/7.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (23.050 đồng), giá vàng thế giới tương đương 50,34 triệu đồng/lượng, thấp hơn 7,59  triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Bất động sản

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, bất động sản khu công nghiệp là một mảng sáng hiếm hoi của thị trường, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này vẫn ăn nên làm ra giữa đại dịch. Với nhu cầu về bất động sản khu công nghiệp tăng cao, kết quả kinh doanh trong quý đầu năm của một số doanh nghiệp trong ngành như Kinh Bắc, Sonadezi, Tân Tạo, Nam Tân Uyên,... theo đó cũng tốt hơn. Thống kê kết quả kinh doanh từ một số doanh nghiệp bất động sản KCN niêm yết đã công bố BCTC cho thấy, nhiều doanh tiếp tục báo lãi trong quý II. Song, nguồn thu từ hoạt động cho thuê đất ghi nhận phân hóa, có doanh nghiệp ghi nhận tăng mạnh, song cũng có doanh nghiệp giảm mạnh. Dù còn nhiều dư địa tăng trưởng, song phân khúc này được dự báo sẽ chứng kiến sức canh tranh ngày càng gay gắt trong thời gian tới. Nguyên nhân là do nguồn cung đất tại các KCN mặc dù đang gia tăng nhưng chưa đủ đáp ứng. Quỹ đất ở những khu vực được coi là đắc địa (gần Hà Nội, TP HCM, gần cảng biển, sân bay,...) ngày càng cạn kiệt. Do đó, các KCN mới hiện đang lan rộng ra các khu vực lân cận xung quanh nhờ hạ tầng ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ.

Thị trường Chứng khoán

- Thị trường chứng khoán thế giới

S&P 500 tăng 6 tháng liên tiếp bất chấp đà giảm điểm trong phiên, Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Sáu (30/7) trong bối cảnh cổ phiếu Amazon lao dốc, dẫu vậy, S&P 500 vẫn ghi nhận tháng tăng thứ 6 liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 lùi 0.5% xuống 4,395.26 điểm, chịu sức ép bởi lĩnh vực năng lượng và hàng tiêu dùng không thiết yếu. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0.7% còn 14,672.68 điểm. Chỉ số Dow Jones rớt 149.06 điểm (tương đương 0.4%) xuống 34,935.47 điểm. Cổ phiếu Amazon sụt gần 7.6% sau khi báo cáo doanh thu theo quý bị sụt giảm lần đầu tiên trong 3 năm và đưa ra triển vọng yếu hơn. Cổ phiếu Pinterest thậm chí còn giảm mạnh hơn, “bốc hơi” 18.2%, sau khi cho biết Công ty này giảm lượng người dùng hàng tháng trong quý 2/2021.  Các chỉ số chính đã khép lại một tháng với sắc xanh mạnh mẽ, mặc dù biến động đã tăng lên trong bối cảnh lo ngại về sự phục hồi kinh tế khi đối mặt với sự lây lan rộng rãi của biến thể Covid-19 Delta. Nasdaq Composite và Dow Jones lần lượt tăng 1.2% và 1.3% trong tháng 7/2021, còn S&P 500 vọt 2.3%. Tiện ích, y tế, bất động sản và công nghệ là những lĩnh vực dẫn đầu đà tăng của S&P 500 trong tháng qua, trong khi năng lượng và tài chính là những lĩnh vực sụt giảm. “Đã có khá nhiều biến động và giá cả không ổn định trên thị trường trong những tuần gần đây”, Brian Belski, Giám đốc chiến lược đầu tư tại BMO, nhận định. “Lo ngại ngày càng tăng về biến thể Delta và khả năng tác động của nó đến các động lực tái mở cửa kinh tế dường như đóng vai trò quan trọng trong hành động giá”. 

Nhà đầu tư đã tiếp nhận dữ liệu quan trọng về lạm phát cho thấy áp lực giá tốt hơn lo ngại trong ngày thứ Sáu. Chỉ giá giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi tăng 3.5% trong tháng 6, đánh dấu sự gia tăng mạnh mẽ của lạm phát, nhưng thấp hơn một chút so với dự báo tăng 3.6% từ Dow Jones. Các chỉ số thấp hơn dự báo về nền kinh tế Mỹ tiếp tục xoa dịu nỗi lo về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp chương trình mua tài sản.  GDP quý 2 của Mỹ tăng 6.5%, thấp hơn nhiều so với dự báo 8.4% của Dow Jones. Trong khi đó, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần gần nhất lại cao hơn so với dự kiến. Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày 28/7 lưu ý rằng nền kinh tế đã rất khởi sắc kể từ cuộc khủng hoảng Covid-19, thì nó vẫn còn cả chặng đường dài để đi trước khi Fed xem xét điều chỉnh chính sách tiền tệ nới lỏng.

- Thị trường chứng khoán trong nước  

Chứng khoán tuần 26-30/07/2021 sắc xanh đã quay trở lại, VN - Index đã có tuần tăng điểm trở lại sau khi trải qua 3 tuần ngập trong sắc đỏ. Chỉ số thị trường đã vượt lên trên đường SMA 100 ngày và kết thúc tuần ở mức 1,310.05 điểm. Khối lượng giao dịch có cải thiện ở 2 phiên giao dịch cuối tuần và khối ngoại quay trở lại mua ròng là những tín hiệu tích cực cho nhà đầu tư trong tuần qua. Giao dịch trong phiên cuối tuần, VN-Index tăng 1.27% lên mức 1,310.05 điểm; HNX-Index tăng 1.25% lên mức 314.85 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tăng tổng cộng 3.25% và HNX-Index tăng 4.33%. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 481 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 9.29%. Sàn HNX đạt trung bình gần 84 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 5.49%.

Mở đầu phiên giao dịch tuần, VN-Index đã tăng nhẹ ở mức 0.31%. Sắc xanh của chỉ số VN-Index tiếp tục được duy trì ở các phiên giao dịch sau đó. Tuy vậy, khối lượng giao dịch vẫn rất khiêm tốn ở những phiên giữa tuần khi chỉ số tiến lên test lại đường kháng cự SMA 100 ngày. Sau khi VN-Index phá vỡ thành công ngưỡng kháng cự này, tâm lý nhà đầu tư đã trở nên tích cực hơn. Khối lượng giao dịch trên sàn HOSE ở phiên cuối tuần tăng mạnh gần 39% so với phiên trước đó. Nhờ vậy, ở phiên cuối tuần chỉ số VN-Index đã tăng 16.45 điểm và kết thúc tuần giao dịch vượt mức 1,300 điểm. Trong khi đó, VNM lại có tuần giao dịch không thực sự tốt nếu xét theo mức độ đóng góp cho thị trường.Nhóm sản xuất và phụ trợ là một trong những nhóm tăng ấn tượng nhất tuần qua với mức tăng gần 5% cho cả tuần. Sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 02/2021 tích cực vào cuối tuần trước nhờ vào việc đẩy mạnh kênh bán hàng online. Ngoài VCB và BID ra, các cổ phiếu ngân hàng khác như TCB, CTG và VPB đều đồng loạt tăng mạnh trên 3%. Đà tăng của ngành thực phẩm và đồ uống trong tuần qua có sự đóng góp đáng kể của cổ phiếu MSN. Nửa đầu năm 2021, MSN đạt doanh thu thuần hợp nhất 41,196 tỷ đồng, tăng 16.4% so cùng kỳ, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu hai chữ số ở mảng kinh doanh thịt và hàng tiêu dùng có thương hiệu. Với kết quả kinh doanh ấn tượng trên, MSN đã có nhiều phiên tăng giá liên tiếp, qua đó giúp cổ phiếu tăng hơn 13% trong tuần qua. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 681 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại mua ròng hơn 655 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng gần 26 tỷ đồng trên sàn HNX.

  • Thị trường Upcom

Giao dịch trên thị trường chứng khoán UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2 phiên và bán ròng 3 phiên. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 783.430 đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 45,05 tỷ đồng; trong khi tuần trước bán ròng 3,33 triệu đơn vị, tổng giá trị là bán ròng 12,74 tỷ đồng. Trong đó, khối này đã mua vào 4,54 triệu đơn vị, giá trị 218 tỷ đồng (tăng 19,45% về lượng và 27,04% về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 3,76 triệu đơn vị, giá trị 172,95 tỷ đồng (giảm 47,26% về lượng và 6,18% về giá trị so với tuần trước).

 

Chỉ số

ĐIỂM

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD

bình quân/phiên

trong tuần

GTGD

bình quân/phiên

trong tuần

Vn-Index

1,310.05

644,437.796

21,759.74

523,477,818

17,755.74

HNX-Index

314.85

109,681.798

2,822.55

88,844,830

2,174.66

UpCom-Index

86,93

50.322.562

959

61,308,483

1,105,6

 

                                                                                                                                               Nguồn: Phòng Phân tích-Dự báo, SRTC