Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 23/8/2021 đến ngày 27/8/2021

Tin kinh tế vĩ mô

Từ tháng 9/2021, rất nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực như: người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) có thêm quyền lợi, nghị định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư,…

Nghị định mới về cải tạo, xây dựng nhà chung cư

Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã mở ra giai đoạn mới, “cởi trói” cho công tác xây dựng lại hàng nghìn nhà chung cư cũ. Góp phần nâng cao đời sống của người dân tại khu vực đô thị, nhất là tại TP. Hà Nội, TP. HCM.

Đáng chú ý, Nghị định 69 giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết của khu vực nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại thay vì để chủ đầu tư thực hiện lập như quy định trước đây nhằm đảm bảo tính khả thi, thống nhất. Nghị định cũng giải quyết những “nút” thắt trong quy định về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư một cách rõ ràng và cụ thể hơn.

Người tham gia BHXH có thêm nhiều quyền lợi

Ngày 1/9/2021 là thời điểm Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH bắt đầu có hiệu lực. Thông tư có nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia BHXH bắt buộc, như:

Bổ sung thêm trường hợp vợ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chồng vẫn được hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con (trước đây chỉ quy định vợ không tham gia bảo hiểm xã hội thì chồng mới được nhận khoản tiền này).

Bổ sung thêm trường hợp phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên.

Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên thì chế độ thai sản được hưởng tính theo số lượng con đã sinh, không kể còn sống hay đã mất (trước đây chỉ giải quyết chế độ thai sản cho con còn sống)...

Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022

Thông tư số 61/2021/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/9/2021, thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024.

Cụ thể, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bình quân cả nước tăng khoảng 6 - 8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).

Theo thông tư, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 phải được xây dựng ở mức phấn đấu tích cực, khả thi. Đồng thời, gắn với việc triển khai chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập.

Giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng đến 30/6/2022

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 13/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 5/12/2013 ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông tư mới sẽ có hiệu lực từ 1/9/2021 và được bổ sung một số quy định sau:

Giảm 50% mức phí thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, thanh toán trong nước,...

Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 19/2020/TT-NHNN ngày 30/12/2020 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 5/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mới này được ban hành để tiếp tục có chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đồng thời, thực hiện chủ trương nhà nước về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Thị trường Tiền tệ        

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 23/08 - 27/08, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng ở phiên đầu tuần và giảm khá mạnh ở các phiên còn lại. Chốt tuần, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.142 VND/USD, giảm mạnh 24 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 22.750 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.786 VND/USD. Trong tuần qua, tỷ giá liên ngân hàng vẫn tiếp tục xu hướng giảm của các tuần trước đó. Chốt phiên cuối tuần 27/08, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.805 VND/USD, giảm 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do giảm nhẹ, chốt tuần giảm 40 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.010 VND/USD và 23.110 VND/USD.

Trong phiên cuối tuần, tỷ giá USD quay đầu giảm sau khi thị trường nhận thấy những phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powel vẫn giữ xu hướng ôn hòa, mặc dù ông Powell đã đề cập đến việc thắt chặt chương trình hỗ trợ kinh tế của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu vào cuối năm nay. USD Index giảm 0,42% xuống 92,690 tính tại phiên giao dịch cuối tuần. Tỷ giá euro so với USD tăng 0,38% lên 1,1795. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,50% lên 1,3768. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,20% lên 109,85.

- Thị trường nội tệ

Lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của TCTD bằng VNĐ sẽ giữ giữ nguyên lần lượt là 0,5% và 0%. Lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có quyết định về mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc. Trong đó, cơ quan Nhà nước hạ lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ từ 0,05% xuống 0% và giữ nguyên các lãi suất còn lại. Trong đó, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của TCTD bằng VNĐ sẽ giữ giữ nguyên lần lượt là 0,5% và 0%. Lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%. Dự trữ bắt buộc, hay tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ giữa tiền mặt và tiền gửi mà các ngân hàng thương mại bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo tính thanh khoản.

NHNN nghiên cứu nới 'room' tín dụng, hoàn thiện sửa đổi Thông tư về cơ cấu nợ. NHNN đã có công văn, chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo, góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc trong lưu thông, tồn ứ thóc, gạo tại khu vực ĐBSCL. Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, trong đó có các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý. Ngân hàng cần mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo cho người nông dân trong vụ Hè Thu, tới đây là vụ Thu Đông nhằm góp phần ổn định giá thóc gạo, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa. 

TCTD cần thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo; tiết giảm mọi chi phí hoạt động không cần thiết để dành nguồn lực giảm lãi suất vay, thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay lên tới 1%/năm trong các tháng cuối năm như kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam theo chỉ đạo của NHNN tại Công văn 5901, 5902/NHNN-TD ngày 16/8/2021. Đồng thời, các ngân hàng cần linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền, tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng. Mặt khác, ngân hàng chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, thương nhân lúa gạo và thỏa thuận các nội dung liên quan theo nguyên tắc tín dụng thương mại, phù hợp quy định pháp luật về cấp tín dụng.

Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 26/08/2021, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Cụ thể, lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 0,65%/năm, 1 tuần lên 0,68%/năm, 2 tuần lên 0,89%/năm, 1 tháng 1,23%/năm, 3 tháng lên 1,73%/năm, 6 tháng lên 2,87%/năm, 9 tháng lên 2,80%/năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đối với tiền gửi tiết kiệm hiện nay cao hơn thị trường liên ngân hàng.

 Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng từ biến động của giá vàng thế giới, biến động với xu hướng chính là giảm nhẹ so với tuần trước. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 56,35 – 57,05 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 26/8 và cao nhất 56,5 – 57,2 triệu đồng/lượng ngày 24/8.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (22.890 đồng), giá vàng thế giới tương đương 50,08 triệu đồng/lượng, thấp hơn 7,77 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Bất động sản

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong 8 tháng qua đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lượng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản đạt 1,6 tỷ USD, giảm 1,27 tỷ USD (tương đương hơn 44%) so với cùng kỳ năm trước. Dù vẫn giữ vị trí thứ 3 nhưng ngành bất động sản đã không có các dự án mới quy mô lớn đổ vào như các năm trước. Một trong những nguyên nhân khách quan làm giảm số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần là do dịch COVID-19 tại các một số quốc gia đối tác vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước trên thế giới vẫn duy trì biện pháp hạn chế dịch chuyển,... Tuy nhiên, vốn FDI vào bất động sản giảm trong thời gian vừa qua chỉ là tạm thời. Thực tế vẫn có những phân khúc duy trì được sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể là thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam vẫn có nhiều hoạt động tích cực như các thương vụ mua bán sáp nhật doanh nghiệp cũng như sự gia tăng các diện tích đất công nghiệp mới. Những nhà máy sản xuất có quy mô lớn nhất trong nửa đầu năm 2021 là những dự án được đầu tư bởi các nhà đầu tư Hong Kong và Singapore tại hai tỉnh là Quảng Ninh và Bắc Giang.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 ngày 13/3/2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021). Cụ thể, các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 (quy định hiện hành theo Thông tư 03 là kéo dài đến 31/12/2021). Những quy định mới tại thông tư sửa đổi nếu được áp dụng  kỳ vọng sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh. Trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp vay ngân hàng thế chấp bằng bất động sản đang bị tắc nguồn vốn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cá nhân đi vay để mua bất động sản lớn như khách sạn, nhà phố cũng đang gặp khó khăn và đối mặt với nguy cơ không trả được nơ. Bởi số tiền họ trả góp hàng tháng cho chu kỳ vay một phần đến từ thu nhập, một phần là tiền từ cho thuê các bất động sản đó.

Thị trường Chứng khoán

- Thị trường chứng khoán thế giới

Phố Wall khởi sắc sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed. Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào ngày thứ Sáu (27/8) hướng tới một tuần ghi nhận sắc xanh, khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát tín hiệu cho thị trường về việc ngân hàng trung ương rút lại một số biện pháp nới lỏng tiền tệ, cho biết Fed có khả năng bắt đầu giảm mua trái phiếu hàng tháng trị giá 120 tỷ USD trong năm nay. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones tăng 242.68 điểm (tương đương 0.6%) lên 35,455.80 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 0.8% lên mức đỉnh mới 4,509.37 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1.2% lên mức cao kỷ lục 15,129.50 điểm.

Cả 3 chỉ số chính đều khép lại tuần qua với sắc xanh. Dow Jones tiến 0.9%, S&P 500 tăng 1.5% và Nasdaq Composite vọt 2.8%. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, vốn đã tăng mạnh trong tuần này trước bài phát biểu của ông Powell, đã giảm nhẹ sau phát biểu của Chủ tịch Fed khi ông làm rõ rằng việc nâng lãi suất sẽ không diễn ra ngay lập tức sau khi thắt chặt chính sách. “Thời điểm và nhịp độ cắt giảm chương trình mua tài sản sắp tới không mang thông điệp về thời điểm nâng lãi suất trở lại. Về vấn đề nâng lãi suất, chúng tôi thực hiện các bài kiểm tra khác và nghiêm ngặt hơn nhiều”, ông Powell nói.  Ông Powell cũng cho biết lạm phát chắc chắn đang xoay quanh mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, một trong 2 mục tiêu trong nhiệm vụ kép của Fed. Tuy nhiên, “vẫn còn nhiều việc phải làm” để đạt được mục tiêu khác là toàn dụng lao động, mặc dù đã có “tiến bộ rõ ràng” hướng về mục tiêu đó, ông Powell chia sẻ. Fed đã sử dụng cụm từ “bước tiến đáng kể” như một sự tham chiếu cho thời điểm bắt đầu thắt chặt chính sách.

Dựa trên những nhận định từ các quan chức khác của Fed, một thông báo thắt chặt có thể được đưa ra ngay sau cuộc họp của của Fed diễn ra vào ngày 21-22/9. Phản ứng của thị trường tài chính vào ngày thứ Sáu là một tín hiệu cho thấy ngân hàng trung ương đến nay đã thành công chuẩn bị sẵn sàng cho nhà đầu tư về việc giảm bớt chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD mỗi tháng và có thể tránh “tâm lý bất ổn về thắt chặt” như đã xảy ra làm rung chuyển thị trường tạm thời vào cuối năm 2013. Các thị trường có vẻ nhẹ nhõm khi Fed không có kế hoạch nâng lãi suất sớm, Michael Arone, Giám đốc chiến lược đầu tư tại US SPDR Business at State Street Global Advisor, nhận định. Nhóm cổ phiếu năng lượng dẫn đầu đà tăng của S&P 500, sau khi là một trong số những cổ phiếu bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào ngày 26/8. Cổ phiếu Occidental Petroleum leo dốc 6.9%, cổ phiếu Cimarex Energy vọt 6.5% và cổ phiếu APA Corp tăng 5.9%.

- Thị trường chứng khoán trong nước  

Chứng khoán tuần 23-27/08/2021 VN-Index giữ vững mốc 1,300 điểm. VN-Index có phiên cuối tuần phục hồi ấn tượng dù giảm sâu ở đầu phiên. Như vậy, VN-Index đã trụ vững trên mốc 1,300 điểm. Khối lượng giao dịch trong tuần qua duy trì ở mức thấp, cho thấy nhà đầu tư rất thận trọng trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1,088 tỷ đồng nhưng giá trị bán ròng đã giảm đáng kể so với tuần trước đó.

Giao dịch trong phiên cuối tuần, VN-Index tăng 0.93% lên mức 1,313.20 điểm; HNX-Index tăng 0.58%, lên mức 338.79 điểm. Xét cho cả tuần cả hai chỉ số giao dịch trái chiều nhau, VN-Index giảm tổng cộng 1.22% và HNX-Index thì tăng nhẹ 0.22%. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 586 triệu cổ phiếu/phiên, giảm mạnh 25.92%. Sàn HNX đạt trung bình hơn 133 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 24.95%. Sau khi trải qua phiên bán tháo ở cuối phiên tuần trước đó, VN-Index tiếp tục duy trì đà giảm với mức giảm 2.3% ở phiên thứ 2 ngày 23/08/2021. Đà giảm của VN-Index chậm lại ở phiên kề đó và trước khi bắt đầu phục hồi nhẹ trong phiên ngày thứ 4. Tuy nhiên có vẻ như nhà đầu tư ở các phiên giữa tuần còn khá bi quan về triển vọng tăng trưởng nên khối lượng giao dịch được duy trì ở mức thấp. Điều này kéo thêm một phiên giảm điểm nữa của VN-Index. Ở phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index có thời điểm trong phiên mất gần 15 điểm; nhưng càng về cuối phiên giao dịch, VN-Index càng khởi sắc và để rồi kết phiên ở mức tăng tốt 12.08 điểm, đạt mức 1,313.20 điểm. Dù có phiên cuối tuần khởi sắc, nhưng nếu xét cho cả tuần, VN-Index vẫn giảm nhẹ ở mức 1.22%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thể tăng điểm trong phiên này khi giảm mạnh ở mức 3.74%. Những cổ phiếu lớn như CTG hay MBB đều sụt giảm sâu lần lượt ở mức 4.74% và 6.35%. Các cổ phiếu ngân hàng khác như VCB, BID hay HDB cũng kết thúc cả tuần trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu vận tải kho bãi bay cao ở mức tăng 4.38%. Bất chấp tình hình dịch bệnh vẫn đang có tác động tiêu cực lên thị trường, các cổ phiếu vận tải và kho bãi vẫn đang hưởng lợi từ giá cước tăng cao trong thời gian qua. Cổ phiếu GMD tăng 7.92% cho cả tuần, PHP bật tăng mạnh gần 14%, TMS tăng nhẹ 1.91%. Ngoài ra, sắc xanh còn hiện diện ở những cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn như VSC hay DVP. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1,088 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng gần 1,031 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 57 tỷ đồng trên sàn HNX.

  • Thị trường Upcom

Trên thị trường chứng khoán UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 5 phiên liên tiếp. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 931.440 đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 71,36 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,55% về lượng nhưng giảm 33,56% về giá trị so với tuần trước. Trong đó, khối này đã mua vào 3,66 triệu đơn vị, giá trị 183,2 tỷ đồng (cùng giảm hơn 20% cả về lượng và giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 2,73 triệu đơn vị, giá trị 111,84 tỷ đồng (giảm 26,69% về lượng và 9,66% về giá trị so với tuần trước).

 

Chỉ số

ĐIỂM

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD

bình quân/phiên

trong tuần

GTGD

bình quân/phiên

trong tuần

Vn-Index

1,313.20

685,055.617

21,406.20

648,310.919

21,040.34

HNX-Index

338.79

140,465.674

3,148.17

148,965,779

3,625.92

UpCom-Index

92,13

123.517.545

1.713,00

91,549,219

1,565,414

                                                                                                          Nguồn: Phòng Phân tích-Dự báo, SRTC