Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 20/9/2021 đến 24/9/2021

Tin kinh tế vĩ mô

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có phiên họp bất thường về đề xuất của Chính phủ về việc sử dụng một phần kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động. Do cả hai chính sách này đều chưa được quy định trong Luật Việc làm năm 2013, nên việc điều chỉnh chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Sau thảo luận, UBTVQH nhất trí với đề xuất của Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-UBTVQH15 về hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), với tổng trị giá gói hỗ trợ vào khoảng 38.000 tỷ đồng.

Trong đó, tổng kinh phí hỗ trợ cho người lao động là khoảng 30.000 tỷ đồng, theo hình thức hỗ trợ tiền mặt và các mức hỗ trợ khác nhau dựa trên thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp cụ thể. Thời gian thực hiện từ ngày 01/10/2021-31/12/2021.

Tổng số tiền hỗ trợ tới người sử dụng lao động là khoảng 8.000 tỷ đồng, thông qua hình thức giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ mức 1% xuống bằng 0% quỹ lương hàng tháng của doanh nghiệp. Thời gian thực hiện 12 tháng, từ 01/10/2021-30/09/2022.

Trước đó, 16 Hiệp hội, ngành nghề chủ lực gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tập thể về đề xuất giải quyết một số nội dung hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch bệnh, đã đề cập đến vấn đề hỗ trợ cụ thể và chi phí bảo hiểm.

Theo phản ánh của một công ty thủy sản, họ đang có mức thua lỗ trung bình là 10 tỷ đồng/tháng ngưng sản xuất. Còn trong ngành dệt may, một doanh nghiệp cỡ trung bình 4.000 lao động ngưng sản xuất, chỉ riêng khoản chi trả công nhân 14 ngày đầu đã là 4.000 người với mức bình quân 2,5 triệu đồng/người, con số cũng lên tới 10 tỷ đồng.

"Hầu hết các ngành hàng của chúng tôi đều sử dụng nhiều lao động, có điểm chung là chi phí cho người lao động như tiền công, tiền bảo hiểm xã hội và kinh phí Công đoàn là chi phi lớn nhất. Nay phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng sản xuất, công suất, sản lượng giảm tới 70%, nhưng các chi phí trên vẫn giữ nguyên, doanh nghiệp vẫn phải trả lương ngừng việc, khiến khó khăn càng chống chất, khó trụ vững dài ngày", các Hiệp hội, hội ngành nghề bày tỏ.

Trong tổng hợp báo cáo của các cấp công đoàn cả nước về tình hình người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể; trên 2 triệu công nhân, lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc do người lao động bị cách ly, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa.

Con số thống kê chỉ ra, có 44.554 ca nhiễm là công nhân, viên chức lao động tại 51 tỉnh, thành. Trong khi đó, tổng số kết dư quỹ BHTN năm 2020 chuyển sang năm 2021 là hơn 89.100 tỷ đồng. Vì vậy, LĐLĐVN đã kiến nghị tới Chính phủ và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, bằng việc xem xét dùng nguồn kết dư Quỹ hỗ trợ cho tất cả người lao động đã và đang tham gia BHTN từ 6 tháng trở lên, để động viên và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho họ.

Đến nay, việc tính toán, xác định tổng mức hỗ trợ, mức hưởng, đối tượng hưởng, thời gian hưởng đã được Chính phủ tính toán chặt chẽ, bảo đảm tính an toàn, hoạt động lâu dài của Quỹ, đặt trong tổng thể cân đối chung nguồn lực, các nguồn hỗ trợ khác và bảo đảm cao nhất nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ, công bằng đối với người lao động tham gia BHTN.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, hai chính sách nêu trên bảo đảm không bị trùng lặp về đối tượng hưởng với các chính sách hỗ trợ đang được thực hiện, bảo đảm đúng chủ trương của Bộ Chính trị. Đồng thời đề nghị Chính phủ căn cứ vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính sách kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước giám sát, kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết. MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia tuyên truyền, phối hợp thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ báo cáo Quốc hội chính sách này tại Kỳ họp thứ 2 sắp tới.

Thị trường Tiền tệ        

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 20/09 - 24/09, tỷ giá trung tâm tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt tuần 24/09, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.134 VND/USD, tăng 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 22.750 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.778 VND/USD. Trong tuần qua, tỷ giá liên ngân hàng biến động theo xu hướng giảm nhẹ qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 24/09, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 22.787 VND/USD, giảm 10 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do cũng luân phiên tăng – giảm, chốt tuần giảm 25 đồng ở chiều mua vào và 45 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.035 VND/USD và 23.185 VND/USD.

Hầu hết tỷ giá các đồng tiền đều có sự sụt giảm trong tuần qua do ảnh hưởng từ sự sụp đổ của Evergrande. Đặc biệt hôm 24/9, đồng USD đã giảm mạnh nhất trong hơn khoảng một tháng trở lại sau khi NHTW Trung Quốc bơm tiền vào hệ thống tài chính để giảm dịu những lo ngại về cuộc khủng hoảng của Evergrande. Sự sụt giảm này còn do Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết khả năng sẽ bắt đầu cắt giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng ngay sau tháng 11 và việc tăng lãi suất có thể sẽ diễn ra sớm hơn dự kiến. Tính tại phiên giao dịch cuối tuần, USD Index tăng 0,18% lên 93,277. Tỷ giá euro so với USD giảm 0,16% xuống 1,1714. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,37% xuống 1,3673. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,34% lên 110,6850.

- Thị trường nội tệ

Ngân hàng nhà nước (NHNN) khuyến khích các TCTD trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ. Do các TCTD cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng. NHNN chỉ đạo các TCTD cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng. Trong đó, ngân hàng tập trung phân loại khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đánh giá khả năng trả nợ đầy đủ của khách hàng để đảm bảo việc hỗ trợ phù hợp với ảnh hưởng của dịch. Các đơn vị trong hệ thống ưu tiên, tập trung cho vay đối với các ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích, phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra nhằm tạo điều kiên cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, TCTD kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu tác động lớn của dịch Covid-19, đặc biệt là dư nợ lĩnh vực bất động sản với mục đích tự sử dụng. Trong đó, ngân hàng lưu ý thường xuyên đánh giá tình hình hoạt động, tình hình tài chính, khả năng trả nợ để có biện pháp xử lý phù hợp, nhằm hạn chế rủi ro phát sinh, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản. Các đơn vị cần duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư.

NHNN khuyến khích các TCTD trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung trong năm 2021. Đồng thời, ngân hàng tập trung và tăng cường nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu, đặc biệt đối với TCTD có kết quả kinh doanh ở mức cao trong khi chất lượng tín dụng chưa được cải thiện, nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu vẫn còn lớn.

Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các nhà băng tập trung năng lực tài chính, cắt giảm tối đa chi phí hoạt động, tăng cường trích lập rủi ro. Trong thời gian tới, khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu, hạn chế/không thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng vốn điều lệ, qua đó nâng cao năng lực tài chính và khả năng chống đỡ trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

Đồng thời, các TCTD cần rà soát, thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của NHNN (gồm dự thu lãi đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 và các văn bản sửa đổi, bổ sung), đảm bảo lợi nhuận phản ánh đúng thực trạng hoạt động kinh doanh của TCTD.

Các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ đối với doanh nghiệp và người dân, đồng thời thực hiện nghiêm và thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lãi suất, phí. Các bên chủ động rà soát, kịp thời phát hiện các vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp.

Mặt khác, TCTD rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc để có các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Đối với các chi nhánh, phòng giao dịch hoạt động kém hiệu quả (nợ xấu cao, kinh doanh thua lỗ kéo dài), tiếp tục xem xét chỉ đạo hợp nhất, sáp nhập, đóng cửa để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung xử lý, khắc phục các tồn tại

Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 23/9/2021, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Cụ thể, lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 0,69năm, 1 tuần lên 0,79%/năm, 2 tuần lên 1,23%/năm, 1 tháng 1,21/năm, 3 tháng lên 1,98%/năm, 6 tháng lên 2,91%/năm, 9 tháng lên 3,40%/năm.

 Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng từ biến động của giá vàng thế giới, giá giảm trong tuần do thị trường dự đoán khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), su đó bật tăng cuối tuần khi đồng USD giảm mạnh, cùng với lời cảnh bảo từ chính quyền Trung Quốc về khả năng sụp đổ của Evergrande. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 56,40 – 57,05 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 24/9 và cao nhất 56,7 – 57,35 triệu đồng/lượng ngày 23/9.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (22.860 đồng), giá vàng thế giới tương đương 48,19 triệu đồng/lượng, thấp hơn 9,31 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Bất động sản

Sau thời gian dài các công trình xây dựng tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch, nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, Thủ Đức (TP HCM) đã cho hoạt động lại. Theo công văn của UBND thành phố, trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, các công trình, dự án trên địa bàn thành phố được triển khai thi công, riêng các công trình nằm trong khu vực cách ly, phong tỏa phải dừng mọi hoạt động (trừ công trình xây dựng phục vụ mục đích phòng, chống dịch). Bên cạnh Hà Nội, các công trình xây dựng trên địa bàn TP Đà Nẵng đã được phép hoạt động thi công (trừ những công trình nằm trong vùng đỏ). Các công trình được bố trí tối đa số người làm việc, trường hợp có lao động ngoại tỉnh thì phải thực hiện đảm bảo phương án "3 tại chỗ". UBND TP Thủ Đức (TP HCM) cũng đã thí điểm hoạt động công trình xây dựng trở lại từ 16/9 tại vùng xanh của thành phố nhằm từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động,... Hiện các chủ đầu tư, nhà thầu đang chuẩn bị mọi yêu cầu của chính quyền, lo các thủ tục để đáp ứng quy định về chống dịch. Ngoài TP HCM thì tại Phú Quốc, Lào Cai, Quảng Ninh,… các dự án vẫn thi công nhưng lượng công nhân trên công trường chỉ được khoảng 60 - 70%.

Thị trường Chứng khoán

- Thị trường chứng khoán thế giới

Tăng 3 phiên liên tiếp, S&P 500 ghi nhận sắc xanh trong tuần qua. S&P 500 và Dow Jones tiếp tục tăng điểm vào ngày thứ Sáu (24/9), khép lại một tuần biến động trên Phố Wall. Động thái cấm tiền điện tử của Trung Quốc đã gây áp lực lên lĩnh vực công nghệ và cổ phiếu Nike suy giảm khi vấn đề chuỗi cung ứng do đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến gã khổng lồ giày thể thao. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones tiến 33.18 điểm (tương đương 0.10%) lên 34,798.00 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 0.15% lên 4,455.48 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite mất 0.03% còn 15,047.70 điểm.

Nasdaq Composite có thành quả kém hơn so với các chỉ số chính khác trên cơ sở tính từ đầu tuần đến nay và chỉ số này chỉ nhích 0.02% trong tuần. Dow Jones khép lại tuần qua tăng 0.6% và S&P 500 cộng 0.5%. Một cuộc đàn áp đối với đồng Bitcoin của Trung Quốc đã làm tổn thương tâm lý thị trường qua đêm, đặc biệt là với nhóm cổ phiếu công nghệ phụ thuộc vào doanh thu có liên quan đến tiền điện tử. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tuyên bố tất cả các hoạt động liên quan đến tiền điện tử là bất hợp pháp vào ngày thứ Sáu. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết các sàn giao dịch tiền điện tử ở nước ngoài cung cấp dịch vụ ở Trung Quốc đại lục cũng là bất hợp pháp. Đồng Bitcoin đã sụt 5%. Sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase, vốn mang lại phần lớn doanh thu từ các giao dịch nhỏ lẻ, và Robinhood, vốn trong quý trước đã tạo ra hơn 50% doanh thu liên quan đến giao dịch từ tiền điện tử, đã giảm hơn 2%. Trong khi đó, Nike đã xác thực mối lo ngại của nhà đầu tư về việc đại dịch tàn phá chuỗi cung ứng và làm tăng chi phí cho các công ty, đặc biệt là các công ty đa quốc gia. Cổ phiếu Nike sụt 6.2% sau khi công ty này hạ triển vọng tài chính năm 2022 do việc gián đoạn sản xuất kéo dài ở Việt Nam, tình trạng thiếu lao động và thời gian vận chuyển kéo dài. Nike dự báo doanh số cả năm sẽ tăng với tốc độ trung bình một con số, thấp hơn so với dự báo tăng trưởng 2 con số thấp của hãng trước đó. Công ty cũng báo cáo doanh thu hàng quý không đạt được kỳ vọng của các nhà phân tích do nhu cầu ở Bắc Mỹ giảm khi biến thể Delta bùng phát. Các nhà sản xuất và bán lẻ hàng may mặc khác đều giảm. Cổ phiếu PVH Corp lùi 1%.

Trong S&P 500, đà sụt giảm của Nike được bù đắp bằng đà tăng của nhóm cổ phiếu liên quan đến việc tái mở cửa kinh tế. Cổ phiếu Carnival vọt 3% sau khi báo cáo lợi nhuận hàng quý, trong khi các hãng hàng không và du lịch khác tăng khoảng 2%. Cổ phiếu năng lượng cũng dẫn đầu đà tăng.

Đây là một tuần đầy biến động đối với các thị trường. Chứng khoán Mỹ đã phục hồi 2 ngày bắt đầu vào ngày thứ Tư (22/9) sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ không loại bỏ ngay các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của mình. Nhà đầu tư cũng dự đóa rằng cuộc khủng hoảng nợ của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande sẽ không gây ra khủng hoảng dây chuyền trên các thị trường toàn cầu.

- Thị trường chứng khoán trong nước  

Chứng khoán tuần 20-24/09/2021vẫn chưa thể bứt phá. VN-Index tiếp tục có tuần giao dịch sôi động khi khối lượng giao dịch tăng mạnh trên cả hai sàn HOSE và HNX. VN-Index đã đánh mất gần 13 điểm trong 2 phiên đầu tuần nhưng chỉ số đã kịp phục hồi ở các phiên sau đó. Khối ngoại vẫn duy trì xu hướng bán ròng với tổng giá trị hơn 900 tỷ đồng. Giao dịch trong phiên cuối tuần, VN-Index giảm 0.12% xuống mức 1,351.17 điểm; HNX-Index giảm 0.39%, xuống mức 359.63 điểm. Xét cho cả tuần cả hai chỉ số dường như đứng im tại chỗ, VN-Index giảm nhẹ 0.11% và HNX-Index thì tăng chỉ 0.49%. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE hơn 797 triệu cổ phiếu/phiên, tăng mạnh 15.01% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 177 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 6.72%.

VN-Index khởi đầu tuần rất chật vật với nhiều thông tin tiêu cực về Evergrande cũng như những lo ngại về động thái siết van của Fed. Phiên thứ hai đầu tuần có ít biến động và chỉ giảm nhẹ, tuy nhiên ở phiên liền kề sau đó, VN-Index đã đánh mất hơn 10 điểm trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đều đồng loạt giảm điểm. Có vẻ như phiên điều chỉnh đó chỉ là những phản ứng thái quá, dòng tiền bắt đáy của nhà đầu tư xuất hiện ở nền giá thấp đã kéo thị trường về lại mức điểm 1,350. Ở phiên cuối tuần, VN-Index trồi sụt quanh mức điểm tham chiếu và kết phiên giảm nhẹ 0.12%. Nhìn cho cả tuần, VN-Index dường như dậm chân tại chỗ và chỉ giảm không đáng kể ở mức 0.11%. Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định lên nền kinh tế. Tuy vậy, theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, tính đến ngày 20/9 vừa qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22.15 tỷ USD, tăng 4.4% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một tín hiệu rất tích cực cho nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam, khi mà thời điểm mở cửa lại nền kinh tế không còn quá xa. Trong khi thị trường trầy trật với những phiên tăng giảm đan xen, thì cổ phiếu đến từ nhóm ngành bảo hiểm lại bật mạnh 8.62%. Ngoại trừ trường hợp giảm giá của VNR, các cổ phiếu bảo hiểm còn lại đều tăng giá rất tốt trong tuần qua. Ngành khai khoáng sau khoảng thời gian tăng nóng cũng đã cho thấy sự giảm nhiệt nhất định, khi giảm nhẹ 1.09%. Ở phiên cuối tuần, hầu như tất cả cổ phiếu trong nhóm này đều giảm mạnh và qua đó kéo giảm những điểm tăng có được hồi giữa tuần. Xét cho cả tuần, cổ phiếu đá MVB giảm sâu gần 10% và TC6 giảm gần 3%. Trái ngược lại với các cổ phiếu than và đá, cổ phiếu liên quan tới dầu khí như PVD hay PVC lại tăng khá tốt quanh mức 3-4% nhờ những biến động có lợi của giá dầu thế giới. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 900 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng hơn 775 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng hơn 125 tỷ đồng trên sàn HNX.

          -Thị trường Upcom

Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận giao dịch tích cực với giá trị mua ròng đạt 139 tỷ đồng, trong đó 119 tỷ đồng mua ròng trên kênh thỏa thuận. Theo đó, HHV được nhà đầu tư ngoại rót ròng 112 tỷ đồng trong tuần qua. Sắp tới, HHV sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để xin ý kiến cổ đông về việc tăng vốn điều lệ lên 3.533 tỷ đồng và thông qua các phương án chào bán cổ phiếu cổ đông hiện hữu. Ngoài ra, dòng vốn ngoại vẫn tìm đến cổ phiếu ACV với giá trị rót ròng 20 tỷ đồng, TV6 với 10 tỷ đồng. Tại phía ngược lại, QNS sau tuần trước được mua ròng đã bị khối ngoại quay đầu bán ròng nhiều nhất với giá trị bán ròng đạt 14 tỷ đồng. Một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại tuần qua trên UPCoM.

Chỉ số

ĐIỂM

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD

bình quân/phiên

trong tuần

GTGD

bình quân/phiên

trong tuần

Vn-Index

1,351.17

673,103.663

18,331.14

840,937,401

21,714.48

HNX-Index

359.63

143,628.843

2,872.36

189,876,385

3,751.71

UpCom-Index

98,07

170,956.490

2,098.00

141,965,024

2,355.2

                                                                                                                                Nguồn: Phòng Phân tích-Dự báo, SRTC