Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 16/8/2021 đến ngày 20/8/2021

Tin kinh tế vĩ mô

Sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhất kể từ khi dịch bệnh xảy ra đã khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng; nhiều nhà máy sản xuất, đặc biệt là ở khu vực phía Nam phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian phong tỏa; hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất cũng bị gián đoạn...

Nhìn vào những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam cũng như diễn biến kéo dài của dịch bệnh với số ca nhiễm COVID-19 mới ghi nhận mỗi ngày vẫn chưa có dấu hiệu giảm, nhiều tổ chức quốc tế và trong nước đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam.

Ngày 19/8, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống 4,8%, giảm mạnh so với mức tăng 7,3% trong dự báo hồi tháng 6.

Trước đó, từ nửa cuối tháng 7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam còn ở mức 5,8%.

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) hồi tháng 7 cũng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021, trong đó, kịch bản cơ sở có nhiều khả năng xảy ra nhất xảy ra nhất là dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát vào cuối quý 3/2021 thì tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt từ 4,5-5,1%. Còn trong kịch bản xấu nhất, tăng trưởng GDP chỉ đạt từ 3,5-4,0%.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, cho đến thời điểm này dịch bệnh vẫn phức tạp, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Hiện vẫn chưa biết dịch kéo dài đến bao giờ, các biện pháp giãn cách vẫn tiếp tục được áp dụng, các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn bị ảnh hưởng nặng và không có thông tin để đánh giá được cho nên rất khó để đưa ra con số dự báo về tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Độ, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% đặt ra từ đầu năm khó đạt được và chắc chắn phải hạ dự báo.

"Những năm trước có thể dựa vào số liệu quý 1, quý 2 để dự đoán tăng trưởng quý 3, quý 4 và cả năm. Tuy nhiên, năm nay quý 1, quý 2 tăng trưởng tương đối ổn, song quý 3 thông tin về mức độ phong tỏa đến đâu, các nhà máy hoạt động bao nhiêu công suất lại không có nhiều thông tin để làm cơ sở dự báo", ông nói.

Dù không đưa ra dự báo cụ thể nhưng TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng tăng trưởng trong quý 3 sẽ có sụt giảm nghiêm trọng. Ông hy vọng quý 4 khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động được nối lại thì tăng trưởng sẽ được phục hồi.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng quý 3 ảnh hưởng của dịch rất nghiêm trọng, tăng trưởng cũng sụt giảm mạnh, còn quý 4 chưa biết tình hình ra sao vì còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh.

"Bắt đầu từ tháng 6, đặc biệt là từ đầu tháng 8 đến nay rất nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã điều chỉnh về dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2021 của Việt Nam và đều điều chỉnh theo hướng đi xuống. Điều này là tất yếu vì dịch hoành hành, lây lan, buộc phải thực hiện các mức giãn cách khác nhau, đặc biệt là các trung tâm công nghiệp bị ảnh hưởng nặng", TS. Võ Trí Thành nhìn nhận.

Theo ông, tổng thể các ngành đều gặp khó khăn vì đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong các địa phương, giữa các địa phương với nhau, giữa trong nước và thế giới. Ảnh hưởng này phản ánh rất rõ qua các con số thống kê của tháng 7 và chắc chắn càng rõ nét hơn trong tháng 8.

Chuyên gia kinh tế này cũng cho biết, các trụ cột tăng trưởng hiện nay đều đang bị ảnh hưởng của dịch, trong đó, xuất khẩu đã xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp lo mất đơn hàng.

"Nếu như năm ngoái khi dịch bệnh diễn ra tại các nước, đơn hàng đã dịch chuyển một phần sang Việt Nam, thì năm nay nếu doanh nghiệp không đáp ứng được, các đối tác sẽ phải chuyển đơn hàng sang nơi khác. Đây không phải là câu chuyện chỉ của hôm nay mà câu chuyện dài hơn là khi tạm khống chế được dịch thì phải làm thế nào để kéo đơn hàng trở lại", ông phân tích.

"Ngay cả lĩnh vực ít bị ảnh hưởng là hạ tầng, xây dựng hiện nay cũng bị tác động rất lớn", ông cho biết thêm.

Thị trường Tiền tệ        

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 16/08 - 20/08, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng ở hầu hết các phiên. Chốt tuần, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.166 VND/USD, tăng trở lại 21 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 22.750 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.811 VND/USD. Tỷ giá liên ngân hàng vẫn tiếp tục xu hướng giảm trong tuần qua, tuy nhiên đà giảm đã chậm lại. Chốt phiên cuối tuần 20/08, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 22.820 VND/USD, giảm 20 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tuần qua, tỷ giá USD tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu và các loại tiền tệ liên quan đến hàng hóa suy yếu do giới đầu tư lo lắng về sự lây lan của dịch COVID-19 trên diện rộng và triển vọng thắt chặt tiền tệ từ Fed. USD Index đạt 93,567 ghi nhận trong phiên giao dịch cuối tuần. Tỷ giá euro so với USD tăng 0,05% lên 1,1680. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,02% xuống 1,3635. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,10% lên 109,83.

- Thị trường nội tệ

Ngân hành nhà nước (NHNN) cho biết, Thông tư số 02/2012/TT-NHNN đã được ban hành và triển khai trong 8 năm qua và được sửa đổi bổ sung một số lần. Nhiều nội dung tại Thông tư 02 cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các văn bản liên quan của NHNN được ban hành hoặc sửa đổi sau khi Thông tư trên có hiệu lực; đồng thời phù hợp với sự thay đổi của thị trường. Việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 02/2012/TT-NHNN là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý hướng dẫn đối với hoạt động giao dịch hối đoái giữa NHNN với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Về đăng ký, chấp thuận thiết lập quan hệ giao dịch ngoại tệ, dự thảo quy định, TCTD được phép có nhu cầu thiết lập quan hệ giao dịch ngoại tệ với NHNN gửi một bộ hồ sơ theo quy định về NHNN.

Với mỗi TCTD được phép, NHNN chỉ thiết lập quan hệ giao dịch ngoại tệ với một đầu mối giao dịch đại diện cho mỗi TCTD được phép. Đầu mối giao dịch đại diện cho TCTD được phép là trụ sở/ hội sở chính hoặc một chi nhánh của TCTD được phép do TCTD được phép quyết định, đăng ký với NHNN. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định rõ đồng tiền giao dịch, tỷ giá mua, bán và giá mua quyền chọn. Cụ thể, NHNN giao dịch mua, bán đồng Việt Nam và USD với TCTD được phép có quan hệ giao dịch ngoại tệ với NHNN. Trường hợp thực hiện giao dịch đồng Việt Nam và loại ngoại tệ khác, NHNN thông báo cho TCTD được phép có quan hệ giao dịch ngoại tệ.

Tỷ giá mua, bán của từng loại hình giao dịch, giá mua, quyền chọn mua, bán ngoại tệ do NHNN quyết định và thông báo cho TCTD được phép có quan hệ giao dịch ngoại tệ. Kỳ hạn của giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao dịch quyền chọn tối đa là 365 ngày kể từ ngày giao dịch. Thời gian giao dịch ngoại tệ chính thức của NHNN với TCTD được phép theo giờ làm việc chính thức của NHNN vào các ngày làm việc trong tuần. Trường hợp phát sinh giao dịch ngoại tệ ngoài thời gian giao dịch quy định, TCTD được phép phải tổ chức thực hiện các giao dịch thông suốt, an toàn, bảo đảm quản lý rủi ro.

Về trường hợp thanh toán chậm, Thông tư số 02/2012/TT-NHNN quy định: “Trong trường hợp thanh toán chậm so với giao dịch Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bên thanh toán chậm sẽ chịu mức phạt như sau: a) Nếu bằng ngoại tệ, mức phạt tối đa 150% lãi suất LIBOR 1 tuần của đồng tiền thanh toán tại ngày phát sinh thanh toán chậm tính trên số tiền và số ngày trả chậm”. Tuy nhiên, theo thông báo của Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính Anh (FCA), lãi suất LIBOR tham chiếu nói trên chỉ được công bố đến hết năm 2021. Trường hợp thanh toán chậm so với thỏa thuận giao dịch giữa NHNN và TCTD được phép, bên thanh toán chậm phải chịu mức phạt như sau:

- Nếu bằng đồng ngoại tệ, mức phạt tối đa bằng 150% lãi suất do ngân hàng đại lý thanh toán của bên bị thanh toán chậm áp dụng trên tài khoản thanh toán chuẩn nhận ngoại tệ tại thời điểm phát sinh tính trên số tiền và số ngày chậm trả.

- Nếu bằng đồng Việt Nam, mức phạt tối đa bằng 150% lãi suất cho vay tái cấp vốn của NHNN tại thời điểm phát sinh thanh toán chậm tính trên số tiền và số ngày chậm trả.

Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 19/08/2021, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Cụ thể, lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 0,69%/năm, 1 tuần lên 0,77%/năm, 2 tuần lên 0,89%/năm, 1 tháng 1,23%/năm, 3 tháng lên 1,78%/năm, 6 tháng lên 2,90%/năm, 9 tháng lên 3,14%/năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đối với tiền gửi tiết kiệm hiện nay cao hơn thị trường liên ngân hàng. Lãi suất từng ngân hàng có sự cạnh tranh rõ rệt hơn.

 Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng thế giới và trong nước cùng diễn biến với xu hướng chính là tăng nhẹ trước những lo ngại về tình hình dịch bệnh. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 56,45 – 57,15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 20/8 và cao nhất 56,65 – 57,35 triệu đồng/lượng ngày 17/8.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (22.915 đồng), giá vàng thế giới tương đương 49,14 triệu đồng/lượng, thấp hơn 8,71 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Bất động sản

Sự bùng nổ của thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần bên thứ ba đã thu hút sự quan tâm đáng kể từ các bên tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản hậu cần (logistics) và công nghiệp, bao gồm kho bãi, chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất. Sức hấp dẫn của các tài sản logistics và công nghiệp là không thể phủ nhận. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tăng tỷ lệ đầu tư tài sản logistics khi họ tìm cách phân bổ vốn vào các tài sản ít cạnh tranh và tạo ra thu nhập ổn định. Việt Nam có định hướng phát triển công nghiệp theo mô hình 3 vùng kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dọc xuyên suốt đất nước. Với tổng diện tích đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn cho thuê đến quý 2/2021 lần lượt tại miền Bắc là 9,700 ha và 1,9 triệu m2; miền Trung là 6,600 ha và 30,500 m2; và miền Nam là 25,200 ha và 3,2 triệu m2. Quý 2/2021 đã có các thương vụ đầu tư mới, điển hình là việc Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh tại KCN Yên Phong với giá khoảng 6,9 triệu USD. Thị trường cũng đón nhận nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường như GNP Industrial hay Công ty cổ phần công nghiệp KCN Việt Nam. Như vậy, thị trường vẫn tiếp tục gia tăng ngay cả trong đại dịch, bất chấp rất nhiều khó khăn đang hiện hữu.

Thông tư 09/2021/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và được áp dụng từ 1/9 tới đây đã quy định người dân nộp hồ sơ làm sổ đỏ sẽ không cần nộp kèm bản sao các giấy tờ chứng minh nhân thân như sổ hộ khẩu, CMTND, căn cước công dân. Tuy nhiên quy định này chỉ áp dụng khi dữ liệu quốc gia về dân cư được chia sẻ và kết nối với dữ liệu của các ngành, lĩnh vực (bao gồm đất đai).

Thị trường Chứng khoán

- Thị trường chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ phục hồi vào ngày thứ Sáu (20/8), nhưng khép lại tuần qua với sắc đỏ trong bối cảnh lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm các biện pháp kích thích. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones tăng 225.96 điểm (tương đương gần 0.7%) lên 35,120.08 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 0.8% lên 4,441.67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1.2% lên 14,714.66 điểm. Cả 3 chỉ số chứng khoán chính đều khép lại tuần qua với sắc đỏ. Dow Jones giảm 1.1% trong tuần, còn S&P 500 mất gần 0.6% và Nasdaq Composite giảm 0.7%.  “Với việc Fed thắt chặt dần trong khi biến thể Delta tiếp tục lây lan, việc chuyển đổi từ chế độ chính sách/thanh khoản sang các thị trường hưng thịnh hơn có nghĩa là chúng ta có thể trải qua một chặng đường khó khăn phía trước”, Chiến lược gia cổ phiếu của Barclays cho biết trong một lưu ý. “Do đó, câu chuyện thị trường có thể trở nên thận trọng hơn, khi những lo ngại về tốc độ tăng trưởng đạt đỉnh, biến thể Delta và sai lầm trong chính sách có thể tạo ra những rào cản, ở thời điểm mà tính chất theo mùa và yếu tố kỹ thuật không thuận lợi”. Nhóm cổ phiếu công nghệ nhảy vọt vào ngày thứ Sáu, mang đến cho thị trường hỗ trợ. Microsoft, Cisco và Salesforce là những cổ phiếu tăng mạnh nhất thuộc Dow Jones khi nhà đầu tư đổ vào cổ phiếu công nghệ trong bối cảnh lo ngại phục hồi kinh tế chậm lại. Nhóm cổ phiếu sản xuất con chip cũng tăng, với cổ phiếu Nvidia vọt 5.1%.  Cổ phiếu Tesla tiến 1% sau khi công ty này tổ chức Ngày trí tuệ nhân tạo (AI day) vào ngày 19/8. Tesla đã tiết lộ một con chip tùy chỉnh mới và lên kế hoạch chế tạo một robot hình người. Cổ phiếu Tesla đã sụt gần 5.2% trong tuần này khi nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng ở Trung Quốc, một trong những thị trường quan trọng của công ty.

Cũng trong tuần qua, giá dầu WTI “bốc hơi” hơn 9%, gây áp lực lên nhóm cổ phiếu năng lượng. Cổ phiếu Diamondback Energy và Valero Energy lần lượt giảm 9.9% và 9.1%.  Biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed công bố trong tuần này cho thấy Ngân hàng trung ương sẵn sàng bắt đầu cắt giảm lượng mua tài sản hàng tháng trong năm nay. Nhà đầu tư đã bán cổ phiếu và hàng hóa trong tuần này để mua vào trái phiếu do lo ngại động thái của Fed có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu vốn đang bị căng thẳng bởi biến thể Delta. Các dòng giao dịch tháng 8 thường biến động với khối lượng giao dịch phần lớn khá thấp, không những vậy, biến thể Delta cũng xuất hiện trên thị trường trong thời điểm này.  Chris Hussey của Goldman Sachs cho biết: “Sự lây lan của biến thể Delta đang gây sức ép lên cả tiêu thụ và sản xuất, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng”.

- Thị trường chứng khoán trong nước  

Chứng khoán tuần 16-20/08/2021ghi nhận kỷ lục thanh khoản. Với áp lực bán mạnh mẽ từ nhà đầu tư, VN-Index đã giảm sâu 45.42 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần. Qua đó, xóa sạch toàn bộ những điểm tăng có được trong tuần và kéo VN-Index về mức 1,329.43 điểm. Đáng lưu ý, ở phiên giao dịch ngày 20/08/2021, giá trị giao dịch trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM đạt tới hơn 48.3 ngàn tỷ đồng (tương đương 2.1 tỷ USD). Đây là kỷ lục mới về thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Giao dịch trong phiên cuối tuần, VN-Index giảm 3.3% xuống mức 1,329.43 điểm; HNX-Index giảm 2.31%, xuống mức 338.06 điểm. Xét cho cả tuần cả hai chỉ số giao dịch trái chiều nhau, VN-Index giảm tổng cộng 2.04% và HNX-Index tăng nhẹ 0.32%. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 791 triệu cổ phiếu/phiên, tăng mạnh 12.47%. Sàn HNX đạt trung bình hơn 181 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 21.24%. VN-Index bước vào tuần giao dịch khá lạc quan khi tăng 1.03% và nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng thị trường sẽ đi tới test lại ngưỡng 1,400 điểm. Nhưng với tâm lý thận trọng sẵn có, các phiên sau ấy, VN-Index giao dịch giằng co với phiên tăng giảm xen kẽ nhau và giao dịch ở quanh vùng 1,360-1,374 điểm. Phiên giao dịch cuối tuần có lẽ là tâm điểm của cả tuần giao dịch với giá trị giao dịch đạt kỷ lục và chỉ số VN-Index giảm sâu hơn 45 điểm. Đà giảm này đến từ tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kèm theo đó là thông tin thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm khống chế dịch. Tâm lý lo sợ đã thúc đẩy quá trình bán ra mạnh mẽ của nhà đầu tư, có thời điểm trong phiên 20/08/2021 VN-Index rớt gần 60 điểm trước khi hồi phục nhẹ về cuối phiên. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm 2.04% về mức 1,329.43 điểm. Nhóm bất động sản khá ảm đạm trong tuần qua với mức giảm 4.03%. Đà giảm này có thể giải thích thông qua kết quả công bố của cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo, Thống kê - Ngân hàng Nhà nước thực hiện. Theo đó, cho thấy nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục thắt chặt dòng vốn vay đổ vào bất động sản trong 6 tháng cuối năm 2021. Điều này sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt lên các cổ phiếu trong ngành. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có phiên tuần giao dịch không mấy tích cực khi giảm 2.53%, sắc đỏ hiện diện ở nhiều cổ phiếu trong ngành. Tuy nhiên, cũng có 1 số cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ cho mình được sắc xanh dù có phiên cuối tuần giảm mạnh. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 5,491 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng gần 5,648 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng gần 157 tỷ đồng trên sàn HNX.

  • Thị trường Upcom

Giao dịch trên thị trường chứng khoán UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4 phiên và bán ròng 1 phiên duy nhất ngày 19/8. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 899.480 đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 107,4 tỷ đồng, giảm 57,25% về lượng nhưng tăng 24,42% về giá trị so với tuần trước.Trong đó, khối này đã mua vào 4,62 triệu đơn vị, giá trị 231,2 tỷ đồng (tăng 25,35% về lượng và 33,8% về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 3,72 triệu đơn vị, giá trị 123,8 tỷ đồng (tăng 135,2% về lượng và 43,17% về giá trị so với tuần trước).

 

Chỉ số

ĐIỂM

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD

bình quân/phiên

trong tuần

GTGD

bình quân/phiên

trong tuần

Vn-Index

1,329.43

1,206,468.346

38,649. 61

844,148.785

28,309.31

HNX-Index

338.06

280,568.633

7,055.93

159,182,520

3,804.90

UpCom-Index

92,7

228,548,207

3,208

118,675,958

2,137,2

                                                                                                           Nguồn: Phòng Phân tích-Dự báo, SRTC