Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 15/8/2022 đến ngày 19/8/2022

Tin kinh tế vĩ mô

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước tính giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu năm đạt 35,49% kế hoạch và tương đương 39,15% kế hoạch Thủ tướng giao (ngang ngửa tiến độ cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, vốn trong nước đạt gần 41% và vốn nước ngoài hơn 14%.

Có rất ít bộ ngành, địa phương đạt tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tốt, gồm 7 Bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 45%. Một số bộ, địa phương có tiến độ giải ngân cao như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (hơn 73%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (gần 52%), Tiền Giang (gần 64%), Thái Bình (58%), Phú Thọ (57%), Long An (55%).

Khoảng một phần ba địa phương và phần lớn bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 35%, trong đó có 3 địa phương và 27 Bộ giải ngân dưới 20%.

Thực tế việc giải ngân vốn chậm đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng năm 2022 có nhiều điểm đặc biệt. Ông cho biết năm nay là năm thứ hai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhưng trong năm đầu, kế hoạch tới tháng 7/2021 mới thông qua nên việc triển khai thực chất bắt đầu từ đầu năm 2022 tới nay nên chậm.

Ngoài ra, theo đánh giá của Bộ trưởng, hiện tâm lý các địa phương đều rất e ngại trong việc xử lý các thủ tục liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư... dẫn đến chậm hơn so với yêu cầu. "Một số nơi không dám làm, ảnh hưởng tới tiến độ nói chung", ông Dũng cho biết.

Giữa tháng 8, Thủ tướng đã phân công các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số Bộ, cơ quan, địa phương. 6 tổ công tác này sẽ đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân đến hết tháng 7 dưới mức trung bình của cả nước (hơn 34,47%).

Thị trường Tiền tệ        

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 15/08 - 19/08, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng khá mạnh ở hầu hết các phiên. Chốt phiên cuối tuần, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.205 VND/USD. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán giao ngay được NHNN niêm yết ở mức 23.400 VND/USD trong cả tuần. Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục tăng – giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Chốt tuần 19/08, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.405 VND/USD, tăng 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do gần như không thay đổi trong tuần qua, duy có phiên cuối tuần tăng nhẹ trở lại.

 Tuần qua, Đồng USD quốc tế và trong nước đang trên đà tăng chậm lại khi thị trường kỳ vọng về sự tích cực của kinh tế Mỹ và việc Fed sẽ cứng rắn nâng lãi suất điều hành. USD Index hiện ở mức 106,46. Tỷ giá EUR so với USD giảm 0,07% ở mức 1,0167. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,01% ở mức 1,2097. Tỷ giá USD so với Yen Nhật tăng 0,14% ở mức 134,41.

 - Thị trường nội tệ

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), NHNN điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP và các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; triển khai đồng bộ các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn TCTD, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen.

Về số liệu, tính đến ngày 15/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Trước đó, tính đến 30/6, tăng trưởng tín dụng mà NHNN công bố đã lên tới 9,35%.  

Như vậy, tín dụng đã tăng chậm lại đáng kể trong 1,5 tháng qua, khi nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng trong khi NHNN vẫn chưa phân giao thêm hạn mức tăng trưởng mới.

Với ngành Ngân hàng, không chỉ thực hiện mục tiêu của Nghị quyết năm nay mà phải hướng tới mục tiêu bền vững, ổn định, bởi chính sách tiền tệ nó là tác động độ trễ, các chính sách kinh tế vĩ mô cũng có tác động độ trễ. Có nhiều giải pháp mà nếu can thiệp bây giờ chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt của năm nay và gây ra những hệ lụy của năm sau. 

Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm chậm, nhiều ngân hàng còn e ngại, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.

Các ngân hàng đã và đang rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất và đang đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất. Sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM vẫn còn hạn chế.

Qua ghi nhận sơ bộ từ báo cáo của các NHTM, một số nguyên nhân, khó khăn dẫn tới chính sách chậm triển khai xuất phát tưừ nhiều phía.

Nguyên nhân liên quan đến khách hàng vay: Một số chi nhánh NHTM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các NHTM nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ; Bộ Xây dựng đã công bố 04 dự án với tổng nhu cầu 1.751 tỷ đồng. Tuy nhiên chưa phát sinh dư nợ đối với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ do số lượng dự án còn ít và mới được công bố.

Về phía ngân hàng thương mại: Một số ngân hàng có tâm lý e ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất đã triển khai thực hiện trước đây nhưng vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng; Các NHTM mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

NHNN cho biết, căn cứ thực tế triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục đôn đốc các NHTM triển khai. Đồng thời, rà soát, phối hợp xử lý các vướng mắc phát sinh để tăng tiến độ giải ngân của Chương trình.   

So với tháng trước, lượng tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng tăng thêm hơn 50.400 tỉ đồng. Dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng thêm hơn 318.000 tỉ đồng.

Người dân vẫn chuộng gửi tiết kiệm và để tiền ở tài khoản thanh toán trong bối cảnh lãi suất huy động tăng đáng kể từ đầu năm tới nay và các kênh thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến.

Theo ghi nhận, lãi suất huy động từ tháng 8 đến nay đã tiếp tục nhích lên tại nhiều ngân hàng thương mại. Lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn dài trên 7%/năm xuất hiện tại nhiều ngân hàng thương mại hơn. Đồng thời, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều sản phẩm tiền gửi để thu hút dòng tiền nhàn rỗi.

Gửi tiết kiệm online cũng là một kênh được ưa chuộng vì tính tiện lợi và đặc biệt lãi suất cao hơn so với gửi tại quầy. Tăng lãi suất tiết kiệm lên cao nhất 7,7%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng; các kỳ hạn khác như 12 tháng lãi suất cũng tới 7,5%/năm.

Lãi suất huy động tăng để chuẩn bị nguồn vốn cho vay ngay trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng vào cuối năm. Đồng thời, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng khoảng 9,4% nhưng tăng trưởng huy động vốn chỉ khoảng 4,51% - tốc độ huy động vốn khá thấp nên lãi suất huy động đẩy lên để kích thích người gửi tiền, bảo đảm thanh khoản dồi dào.

Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 19/08/2022, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 2,49%, 1 tuần lên 2,86%, 2 tuần lên 2,68%, 1 tháng 4,91, 3 tháng lên 4,73%, 6 tháng lên 6,29 và 9 tháng lên 5,78%.

Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng trong nước diễn biến với xu hướng giảm nhẹ theo giá vàng thế giới khi đồng USD duy trì xu hướng phục hồi mạnh mẽ Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 65,90 – 66,90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 16/8 và cao nhất 66,40 – 67,40 triệu đồng/lượng ngày 15/8.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (23.545 đồng), giá vàng thế giới tương đương 49,55 triệu đồng/lượng, thấp hơn 17,67 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Bất động sản

Thời gian qua, khu Đông TP.HCM tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu nguồn cung và lượng tiêu thụ mới ở phân khúc căn hộ cao cấp. Đặc biệt, quận 2 cũ trở thành trung tâm quy tụ của nhiều dự án hạng sang đến từ các chủ đầu tư uy tín trong và ngoài nước. Khu Đông TP.HCM chiếm 90% nguồn cung mới. Mặt bằng giá bán sơ cấp tăng 3-5% so với cùng kỳ năm trước. Là khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế bậc nhất, quận 2 (cũ) không chỉ được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống giao thông đồng bộ mà còn tập trung nhiều dự án BĐS đẳng cấp. Có thể thấy, ngay sau khi TP. Thủ Đức được Chính phủ quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng trở thành trung tâm kinh tế tri thức và tài chính, thị trường bất động sản tại khu vực này ngày càng trở nên sôi động. 

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành các quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn gồm các khu 1, 2, 4, 5 và 6, tỷ lệ 1/2.000 thuộc các xã Phù Linh, Tiên Dược, Mai Đình, Đông Xuân, Quang Tiến, Phù Lỗ và thị trấn Sóc Sơn. Cụ thể, theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội , phân khu đô thị Sóc Sơn khu 1 thuộc địa giới hành chính các xã Phù Linh, Tiên Dược, Mai Đình và thị trấn Sóc Sơn. Diện tích đất lập quy hoạch khoảng hơn 625 ha, dân số đến năm 2030 khoảng gần 50.000 người.

 Thị trường Chứng khoán

S&P 500 đứt mạch 4 tuần tăng liên tiếp, chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào ngày thứ Sáu (19/8), khi đà leo dốc mùa hè của Phố Wall chững lại và những lo ngại về nâng lãi suất lại nổi lên, khiến các chỉ số chứng khoán chính khép lại tuần qua với mức giảm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 lùi 1.29% xuống 4,228.48 điểm. Trong khi, chỉ số Dow Jones mất 292.30 điểm (tương đương 0.86%) còn 33,706.74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite rớt 2.01% xuống 12,705.22 điểm.

Tuần qua, S&P 500 giảm 1.21%, còn Dow Jones hạ 0.16%. Nasdaq Composite sụt 2.62%.

Đà leo dốc mùa hè trên Phố Wall chững lại vào ngày thứ Sáu khi biên bản cuộc họp tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và những nhận định từ Chủ tịch Fed khu vực St. Louis, James Bullard, cho thấy rằng ngân hàng trung ương có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong thời gian tới, gây cản trở cho hy vọng của nhà đầu tư về việc giảm tốc độ nâng lãi suất.

Bất chấp sự suy giảm trong tuần, nhiều nhà đầu tư đang nuôi hy vọng thị trường phục hồi trở lại.

Trong khi đó, cổ phiếu Bed Bath & Beyond bốc hơi hơn 40% sau khi Ryan Cohen bán toàn bộ cổ phần của mình tại công ty bán lẻ này. Động thái này dường như làm ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà đầu tư cổ phiếu meme, những người đã đặt cược lớn vào công ty này trong nhiều tháng gần đây.

Trong một tin tức khác, khoảng 2 ngàn tỷ USD giá trị danh nghĩa các hợp đồng quyền chọn đã hết hạn vào ngày thứ Sáu. Việc hết hạn các hợp đồng quyền chọn có thể tạo thêm sự biến động trên thị trường khi một số người nắm giữ có thể buộc phải thay đổi vị thế.

Thị trường chứng khoán trong nước  

Chứng khoán tuần 15-19/08/2022 VN-Index tiếp tục giằng co, VN-Index kết phiên tuần với mức tăng nhẹ, khối lượng giao dịch sụt giảm cho thấy tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là khối ngoại vẫn duy trì mua ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX.

Giao dịch trong phiên cuối tuần, VN-Index giảm 4.48 điểm, kết phiên ở mức 1,269.18 điểm, HNX-Index giảm 3.25 điểm, dừng chân ở mức 297.94 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tăng 6.85 điểm (+0.54%); HNX-Index giảm 5.48 điểm (-1.81%).

Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 599 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 4.8% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 80 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 16.31% so với tuần giao dịch trước.

Thị trường chứng khoán tiếp tục tuần tăng điểm nhẹ, tuy nhiên, khối lượng giao dịch lại có sự suy yếu cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư. VN-Index có phiên giao dịch đầu tuần tương đối tích cực khi bật tăng gần 12 điểm. Chỉ số sau đó giằng co đi ngang khi liên tục hình thành các mẫu hình nến thân nhỏ. Phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index biến động với biên độ rộng hơn, có lúc còn lấy đi hết số điểm tăng có được những phiên trước đó, nhưng lực hồi phục ở cuối phiên đã thu hẹp được sắc đỏ trong phiên. Tính cho cả tuần, VN-Index tăng nhẹ 6.85 điểm và dừng chân ở mức 1,269.18 điểm.

Về mức độ ảnh hưởng, SABMSNVICVPB và VNM là những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất với VN-Index trong tuần qua khi góp hơn 8 điểm tăng cho chỉ số này. Trong khi đó, VHMVCBGVR và KBC là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất.

Về nhóm ngành, thực phẩm đồ uống là một trong những ngành tăng mạnh nhất trong tuần và là trụ chính cho thị trường. Các ông lớn gồm MSN, VNM và SAB đều có mức tăng tốt lần lượt 4.48%, 3.06% và 7.14%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vận tải lại giao dịch tương đối ảm đạm. Trong đó, HAH giảm 2.8%, VSC giảm 2.92%, PHP sụt 6.25%...

Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 624 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại mua ròng hơn 576 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng gần 48 tỷ đồng trên sàn HNX.

S99 tăng 20%: Trong tuần qua, cổ phiếu S99 bật tăng mạnh 20% với khối lượng giao dịch liên tục tăng và nằm trên mức trung bình 20 ngày gần nhất, điều này cho thấy dòng tiền đang tập trung vào cổ phiếu này.

HDC tăng 12.47%: CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HOSE: HDC) vừa nhận chuyển nhượng 30.3% vốn điều lệ tại CTCP TM&DV Bất động sản nghỉ dưỡng Ý Ngọc Bình Thuận. Như vậy, sau giao dịch, đơn vị này trở thành Công ty liên kết của Hodeco. Về kết quả kinh doanh, trong quý 2/2022, Hodeco ghi nhận doanh thu đạt 380.44 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 79.06 tỷ đồng, tăng 22.2% so với cùng kỳ năm trước. Giá cổ phiếu này trong tuần qua cũng tăng ấn tượng hơn 12%.

HAI giảm 16.09%: Ngày 16/08, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa ra thông báo xem xét đình chỉ giao dịch với cổ phiếu của CTCP Nông dược H.A.I (HOSE: HAI). Theo đó, giá cổ phiếu này cũng liên tục lao dốc và giảm mạnh hơn 16% trong tuần qua.

Thị trường Upcom

Trên thị trường UpCoM, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện 4 phiên bán ròng và 1 phiên mua ròng duy nhất ngày cuối tuần 19/8.

Tổng cộng, khối ngoại đã quay ra bán ròng 3,69 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng hơn 90,2 tỷ đồng. Trong khi tuần trước bán ròng gần 4 triệu đơn vị, với giá trị bán ròng hơn 117,3 tỷ đồng.

 

Chỉ số

Điểm

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,269.18

607,623.179

14,920.48

634,175,598

15,680.06

HNX-Index

297,94

83.679.991

1.654,29

83,041,703

1,617.92

UpCom-Index

92,77

 

75.355.200

 

756,58

 

51,485,266

 

881,752

 

Nguồn: Phòng Phân tích Dự báo, SRTC