Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính ngày từ ngày 13/9/2021 đến ngày 17/9/2021

Tin kinh tế vĩ mô

Bộ Tài Chính vừa công bố lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Thông tư 40 mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2021, trong đó quy định chủ sàn thương mại điện tử phải kê khai và nộp thuế thay các chủ hàng bán qua sàn theo lộ trình. Trước mắt là cung cấp dữ liệu của người bán hàng cho cơ quan thuế. Sau đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng lộ trình để áp quy định này, trong đó đặt mục tiêu tới năm 2022 sẽ kết nối dữ liệu giữa cơ quan thuế với các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, quy định này vấp phải phản ứng mạnh từ các doanh nghiệp quản lý sàn thương mại.

Bộ Tài chính thừa nhận, sau khi ban hành Thông tư 40, một số nội dung đã phát sinh vướng mắc nên cần thiết phải có sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và các đối tượng chịu tác động.

Do đó, Bộ Tài chính dự định sửa quy định trên thành: Tổ chức là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử thực hiện khai và nộp thuế thay cho cá nhân khi được ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.

Dù vậy, sàn thương mại điện tử vẫn có trách nhiệm cung cấp thông tin của cá nhân kinh doanh thông qua sàn, như: Họ tên người bán hàng; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân/căn cước công dân/ hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng qua sàn; tài khoản ngân hàng của người bán...

Các sàn cung cấp thông tin người bán hàng định kỳ theo quý, hoặc từng lần phát sinh giao dịch theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Thông tư 40 cũng gây tranh cãi liên quan tới cách tính doanh thu chịu thuế của chủ có nhà cho thuê. Theo đó, doanh thu cho thuê nhà được tính theo hợp đồng bằng tháng; trong 12 tháng liên tiếp mà tiền cho thuê trên 100 triệu đồng sẽ phải kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, bất kể 12 trong 1 năm hay 12 tháng vắt giữa 2 năm (doanh thu danh nghĩa). Trong khi thông lệ tính thuế là 12 tháng trong 1 năm dương lịch, dẫn tới người cho thuê nhà tiền thuê trong 1 năm dương lịch chưa tới 100 triệu đồng vẫn phải nộp thuế, thậm chí bị người thuê bỏ ngang hợp đồng vẫn phải nộp thuế.

Bộ Tài chính dự kiến sửa thành: Cá nhân hoạt động cho thuê tài sản và thời gian cho thuê không trọn năm, nếu phát sinh doanh thu cho thuê từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì thuộc đối tượng không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm, danh thu tính thuế được phân bổ cho từng năm dương lịch.

Thị trường Tiền tệ        

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 13/09 - 17/09, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt tuần 17/09, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.119 VND/USD, chỉ tăng 01 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 22.750 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.763 VND/USD. Tương tự, trong tuần qua, tỷ giá liên ngân hàng không biến động mạnh. Chốt phiên cuối tuần 17/09, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 22.797 VND/USD, tăng 25 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tuần qua, tỷ giá USD tăng lên mức cao nhất trong 3 tuần trở lại đây nhờ dữ liệu doanh số bán lẻ tốt hơn dự kiến ​​của Mỹ đã hỗ trợ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ bắt đầu thắt chặt chương trình mua tài sản. USD Index đạt 92,225 ghi nhận trong phiên giao dịch cuối tuần. Tỷ giá euro so với USD giảm xuống 1,1724 . Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm xuống 1,3736. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng lên 110,00.

- Thị trường nội tệ

Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của toàn ngành đang là 26.14%, trong đó nhóm ngân hàng thương mại (NHMT) Nhà nước và nhóm NHTM cổ phần đều cao hơn chút, lần lượt là 29.8% và 29.14%. Cả 3 tỷ lệ này đều cách khá xa so với quy định hiện nay là 40% lẫn mốc sẽ giảm về vào đầu tháng 10 tới là 37%.

Dù vậy, tỷ lệ này hiện nay có lẽ đã ít nhiều thay đổi, khi dư nợ trung dài hạn của các ngân hàng những tháng qua ắt hẳn đã có nhiều biến động. Thứ nhất, do hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến nhu cầu vay vốn của nhóm này suy yếu, các ngân hàng phải tăng cường cho vay ở phân khúc khách hàng cá nhân, thường là các sản phẩm cho vay đầu tư, tiêu dùng với kỳ hạn dài, để bù đắp và đảm bảo tăng trưởng được dư nợ tổng thể. 

Ngoài ra, đẩy mạnh tín dụng bán lẻ cũng là chiến lược xuyên suốt của nhiều nhà băng trong những năm gần đây, đặc biệt khi đây là phân khúc có biên độ lãi suất khá cao so với các phân khúc khác. Với việc nhiều ngân hàng đã phải giảm lãi suất cho vay đáng kể từ giữa tháng 7 đến nay, cũng như có chính sách giảm, miễn lãi, tái cơ cấu nợ cho khách hàng, việc phát triển cho vay ở các sản phẩm có biên độ lãi cao càng được ưu tiên để bù đắp lại ảnh hưởng tiêu cực từ những chính sách này.

Thứ hai, mới đây NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng đến ngày 30/6/2022, đồng thời cho phép cơ cấu nợ cho cả số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 7/9/2021. Vì vậy, các ngân hàng có thể tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng trong giai đoạn tới, điều này cũng sẽ gây ra áp lực làm tăng nợ trung dài hạn của các nhà băng. 

Chính vì vậy, không ít kỳ vọng cho rằng nhà điều hành có thể tiếp tục hoãn lại việc điều chỉnh giảm tỷ lệ này, như là cách hỗ trợ ngành ngân hàng, giảm áp lực lên huy động vốn dài hạn từ đó tạo cơ sở ổn định lãi suất, nhất là khi nhiều nhà băng trong 2 tháng qua đã giảm lãi suất cho vay khá mạnh để hỗ trợ khách hàng, do đó cũng đã ảnh hưởng đáng kể lên biên lợi nhuận. Thậm chí còn có một số đề xuất NHNN có thể xem xét tạm thời tăng tỷ lệ này lên lại mốc 50% để hỗ trợ ngành ngân hàng.

Dĩ nhiên, kèm với nợ trung dài hạn tăng lên, cũng cần phải thừa nhận rằng nguồn vốn trung dài hạn của các ngân hàng từ đầu năm đến nay cũng đã tăng khá mạnh. Để chuẩn bị cho lộ trình áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống, các ngân hàng từ đầu năm đến nay đã tăng cường phát hành thêm trái phiếu kỳ hạn dài, đặc biệt tích cực phát hành ở kỳ hạn 2-4 năm, khi lãi suất phát hành được giữ cố định ở mức khá thấp từ 3-4.2%. 

Dù vậy, việc tiếp tục lùi lại thời gian áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nếu có cũng sẽ là một giải pháp hỗ trợ được chờ đợi của các ngân hàng, cũng như là một cơ chế tưởng thưởng cho việc các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu nợ để hỗ trợ khách hàng trong thời gian qua. 

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, số tiền gửi thanh toán của tài khoản cá nhân tăng lên nhiều so với thời điểm trước đó. Tài khoản thanh toán của cá nhân ở đây là các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động của cá nhân mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng (như dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngoài thẻ). Giao dịch qua mobile banking có số món giao dịch cao, lên đến gần 467.8 triệu món nhưng giá trị giao dịch chỉ gần 5.9 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 72.7 triệu món giao dịch với giá trị tăng 1,254 tỷ đồng. 

Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 16/09/2021, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 0,64%/năm, 1 tuần lên 0, 74%/năm, 2 tuần lên 1,18%/năm, 1 tháng 1,30%/năm, 3 tháng lên 1,69%/năm, 6 tháng lên 2,99%/năm, 9 tháng lên 3,74%/năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đối với tiền gửi tiết kiệm hiện nay cao hơn thị trường liên ngân hàng

 Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng thế giới và trong nước cùng diễn biến với xu hướng chính là giảm. Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC duy trì đà lao dốc và giảm khoảng 150.000 - 450.000 đồng/lượng. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 55,9 – 56,60 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 17/9 và cao nhất 56,65 – 57,35 triệu đồng/lượng ngày 15/9.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (22.870 đồng), giá vàng thế giới tương đương 48,30 triệu đồng/lượng, thấp hơn 8,53 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Bất động sản

Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) đang lấy ý kiến Dự thảo báo cáo kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Bộ công bố kế hoạch sử dụng đất được xây dựng cho từng chỉ tiêu sử dụng đất nhằm đáp ứng nhu cầu về đất đai để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh giai đoạn 5 năm (2021 - 2025). Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài,..

Mặc dù thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn nhưng chỉ là ngắn hạn, về dài hạn đây vẫn là kênh đầu tư an toàn của dòng tiền và có khả năng sinh lời tốt. Hơn thế nữa, tuy dịch bệnh ảnh hưởng lớn tới thị trường nhưng giá bất động sản hầu như không giảm, thậm chí còn tăng ở một số phân khúc như chung cư, dự án có pháp lý tốt, giá hợp lý. Nguyên nhân là do nguồn cung dự án mới tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày càng cạn kiệt, trong khi nhu cầu mua bất động sản để ở hay đầu tư trong dân vẫn lớn, dù đang tạm thời giảm sút vì dịch bệnh. Tại thị trường Hà Nội, quỹ đất ngày càng khan hiếm và đang dịch chuyển ra ngoại ô. Hiện nay các dự án mới thường có vị trí nằm ngoài vành đai 3, những dự án phía trong giá đã tăng cao và ngày càng hiếm, giá từ 45-60 triệu/m2 trở lên, thậm chí cao hơn. Như vậy những dự án vừa tầm tiền sẽ nằm ở ngoài đường vành đai 3 và ở ngưỡng dưới 40 triệu đồng/m2. Tại thị trường TP.HCM, giai đoạn này thị trường sơ cấp có rất ít lựa chọn, do số lượng dự án mới quá ít. Ở khu Tây có một số dự án mới như: Westgate của An Gia, dự án Moon Light Center Point vừa chào bán thành công của Hưng Thịnh; khu Đông có dự án Vinhome Grand Park (VinGroup), Masteri Centre Point (Masteri Home). Ngoài ra, thị trường sẽ có một vài dự án có thể mở bán thời gian tới: dự án của Sơn Kim Land ở quận 9, hay một dự án ở vùng ven phía Đông TP.HCM... Đây là những dự án sơ cấp vừa mới chào bán ra thị trường từ đầu năm đến nay.

              Thị trường Chứng khoán

- Thị trường chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm vào ngày thứ Sáu (17/9) khi nhà đầu tư vẫn thận trọng do sự bùng phát số ca nhiễm Covid-19, cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới và xu hướng lịch sử trong tháng 9 là một tháng yếu kém đối với chứng khoán. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones rớt 166.44 điểm (tương đương 0.5%) xuống 34,584.88 điểm, chịu sức ép bởi đà giảm gần 2.9% của cổ phiếu Dow Inc. Chỉ số S&P 500 mất 0.9% còn 4,432.99 điểm và chỉ số Nasdaq Composite cũng lùi 0.9% xuống 15,043.97 điểm. Nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn phần lớn chìm trong sắc đỏ, với cổ phiếu Facebook sụt 2.2% và cổ phiếu Alphabet giảm 2%. Cổ phiếu Apple mất 1.8% và cổ phiếu Microsoft lùi 1.7%. Ủy ban tư vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào ngày thứ Sáu đã bác bỏ kế hoạch triển khai mũi tiêm bổ sung vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer và BioNTech cho công chúng. Cổ phiếu Pfizer mất 1.3% và cổ phiếu BioNTech sụt 3.6%. Cổ phiếu Moderna giảm 2.4%. Lịch sử không đứng về phía thị trường với S&P 500 trung bình giảm 0.4% trong tháng 9, tồi tệ nhất so với bất kỳ tháng nào, theo Stock Trader’s Almanac. Đặc biệt, ngày thứ Sáu bắt đầu một giai đoạn yếu kém theo lịch sử đối với chứng khoán khi đà giảm trong tháng 9 thường đến vào nửa sau của tháng. Một số biến động xảy ra trong tháng 9 thường xung quanh sự kiện gọi là “quadruple witching”, xảy ra vào cuối phiên ngày thứ Sáu. Đây là thời điểm hết hạn của các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán, hợp đồng quyền chọn chỉ số chứng khoán, quyền chọn cổ phiếu và hợp đồng cổ phiếu tương lai. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ đã khép lại tuần qua với sắc đỏ. Dow Jones lùi gần 0.1% trong tuần này, giảm tuần thứ 3 liên tiếp. Dow Jones đã không có chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp kể từ tháng 9/2020. S&P 500 mất gần 0.6% kể từ ngày 13/9 và ghi nhận 2 tuần giảm liên tiếp. Nasdaq Composite giảm 0.5% trong tuần này. 

Từ đầu tháng 9 đến nay, chứng khoán Mỹ cũng giao dịch trong vùng tiêu cực. Dow Jones sụt 2.2% trong tháng 9. S&P 500 giảm gần 2% trong tháng này nhưng vẫn chỉ cách 2.5% để đạt mức cao mọi thời đại. Nasdaq Composite mất 1.4% trong tháng này. Cuộc họp 2 ngày của Fed vào tuần tới được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm gợi ý về thời điểm Fed có thể bắt đầu giảm nhịp độ mua trái phiếu hàng tháng trị giá 120 tỷ USD đã hỗ trợ đà phục hồi, nhưng cũng có thể thúc đẩy lạm phát tăng vọt. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cộng 4 điểm cơ bản lên gần 1.37% vào ngày thứ Sáu. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết việc “siết vòi” có thể xảy ra trong năm nay, tuy nhiên, các nhà đầu tư đang chờ đợi các chi tiết cụ thể hơn. Một số nhà đầu tư lo ngại sự sụt giảm giá tài sản khi Fed bắt đầu giảm bớt chính sách nới lỏng của mình.

- Thị trường chứng khoán trong nước  

Chứng khoán tuần 13-17/09/2021kết thúc tuần trong sắc xanh. VN-Index có phiên cuối tuần giao dịch rất sôi động với khối lượng giao dịch tăng mạnh và giúp chỉ số tăng 6.77 điểm để đạt được mức 1,347.66 điểm. Tuy nhiên, xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, khi mà nếu xét cho cả tuần, khối ngoại bán ròng gần 3,492 tỷ đồng. Giao dịch trong phiên cuối tuần, VN-Index tăng 0.50% lên mức 1,352.64 điểm; HNX-Index tăng 1.34%, lên mức 357.97 điểm. Xét cho cả tuần cả hai chỉ số giao dịch cùng tăng, VN-Index tăng nhẹ tổng cộng 0.54% và HNX-Index thì tiến vững chắc ở mức 2.26%. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 693 triệu cổ phiếu/phiên, giảm nhẹ 0.63%. Sàn HNX đạt trung bình gần 166 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 18.77%. VN-Index có tuần giao dịch giằng co với nhiều phiên xanh đỏ xen kẽ nhau, điều này thể hiện bên mua và bên bán vẫn đang khá cân bằng nhau.

Ở hai phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số VN-Index giảm nhẹ tổng cộng gần 6 điểm, đà giảm này có sự đóng góp lớn bới các cổ phiếu trong nhóm VN30. Tuy nhiên sắc xanh đã xuất hiện trở lại ở các phiên sau đó, nhà đầu tư bắt đầu mua vào ở nền giá thấp và giúp VN-Index tăng hơn 6 điểm ở hai phiên giao dịch liền kề. Trong phiên giao dịch cuối tuần, khối lượng giao dịch tăng mạnh trên mức trung bình 20 phiên và VN-Index có thêm 6.77 điểm tăng. Kết thúc cả tuần, VN-Index tiến nhẹ lên mức 1,352.64 điểm. Sắc tím hiện diện trên nhiều cổ phiếu của nhóm khai khoáng, qua đó giúp nhóm này tăng 12.86% trong tuần qua. Cổ phiếu lớn trong ngành như PVD  PVS tăng mạnh lần lượt ở mức 11.81% và 10.59%. Tuy tăng mạnh nhưng đà tăng của PVD  PVSkhông thể so sánh với mức tăng ấn tượng của cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn. Một vài ví dụ cụ thể có thể kể đến như cổ phiếu NBC tăng 22.05%, TVD bật mạnh 39.13% hay HLC bay cao ở mức 35.71%. Ngành thực phẩm đồ uống là một trong những nhóm tăng mạnh nhất thị trường tuần qua, với mức tăng 6.75%. Sự chú ý đổ về cổ phiếu SABvà MSN. Cổ phiếu SAB bật tăng gần như hết biên độ vào phiên giao dịch đầu tuần còn MSN tăng trần vào phiên thứ 4. Xét cho cả tuần, SAB  MSN tăng tổng cộng lần lượt ở mức 6.34% và 12.31%. Nhóm ngành công nghệ thông tin tăng trưởng tốt ở mức 3.14%. Cổ phiếu công nghệ FPT trong tuần qua đã công bố kết kinh doanh 8 tháng đầu năm 2021 với doanh thu đạt 21,842 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4,005 tỷ đồng, lần lượt tăng 19.2% và 19.8% so cùng kỳ. Với những kết quả kinh doanh tốt bất chấp dịch bệnh, không có gì khó hiểu khi cổ phiếu này có tuần giao dịch tích cực. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 3,492 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng hơn 4,228 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng hơn 737 tỷ đồng trên sàn HNX.

          - Thị trường Upcom

Giao dịch trên thị trường chứng khoán UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 5 phiên liên tiếp. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 2,86 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 146,62 tỷ đồng, tăng 255,65% về lượng và 90,69% về giá trị so với tuần trước. Trong đó, khối này đã mua vào 6,88 triệu đơn vị, giá trị 296,45 tỷ đồng (tăng 61% về lượng và 59,26% về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 4,02 triệu đơn vị, giá trị 149,83 tỷ đồng (tăng 15,9% về lượng và 37,14% về giá trị so với tuần trước)

Chỉ số

ĐIỂM

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD

bình quân/phiên

trong tuần

GTGD

bình quân/phiên

trong tuần

Vn-Index

1,345.87

599,771.454

18,203.15

730,113.399

21,221.50

HNX-Index

357.97

172,537.648

4,041.92

172,966.193

3,536.05

UpCom-Index

97,4

184,235.863

2,621.00

130,508.743

2,265.6

                                                                                                                               Nguồn: Phòng Phân tích-Dự báo, SRTC