Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 8/8/2022 đến ngày 12/8/2022

Tin kinh tế vĩ mô

Chính phủ đồng ý giảm một nửa thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng, về còn 10% từ ngày 8/8.

Nội dung này được nêu tại Nghị định 51/2022 sửa đổi thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng. Theo đó, mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng động cơ, không pha chì sẽ giảm một nửa, từ 20% xuống còn 10%. Việc giảm này được cấp có thẩm quyền đưa ra trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính vào tháng trước.

Thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) là thuế được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ với Việt Nam.

Thực tế, giảm 10% thuế MFN với xăng động cơ, xăng không pha chì không giúp nhiều cho việc giảm giá xăng, bởi tỷ trọng nhập khẩu từ các nước áp thuế này hiện chiếm không đáng kể trong tổng lượng xăng tiêu thụ cả nước.

Nhưng việc giảm thuế này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khu vực Trung Đông. Việc này giúp tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay nếu nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.

Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn mức bình quân chung của nhiều nước. Chẳng hạn, thuế trong giá xăng ở nhiều nước hiện dao động 40-55%, dầu là 35-50%, trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn.

Tại Việt Nam, sau 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường vào tháng 4 và 7, hiện thuế trong giá xăng chiếm khoảng 19,4-22% (với xăng E5 RON 92 hoặc RON 95-III) và 11,05% (với dầu diesel).

Thị trường Tiền tệ        

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 08/08 - 12/08, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng giảm. Chốt tuần 12/08, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.153 VND/USD, giảm mạnh 29 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá liên ngân hàng chỉ tăng – giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Chốt tuần 12/08, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.396 VND/USD, tăng nhẹ 06 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm mạnh trong tuần qua, mặc dù phiên cuối tuần đã tăng trở lại. Chốt phiên 12/08, tỷ giá tự do giảm 200 đồng ở chiều mua vào và 150 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.950 VND/USD và 24.050 VND/USD.

Tuần qua, đồng USD đã giảm sau báo cáo lạm phát tháng 7 thấp hơn dự kiến làm tăng kỳ vọng về một chu kỳ tăng lãi suất ít tích cực hơn so với dự đoán trước đây từ FED. Cụ thể, giá tiêu dùng của Mỹ đã không tăng trong tháng trước do giá xăng dầu giảm, mang lại dấu hiệu cứu trợ đáng chú ý đầu tiên cho những người Mỹ đã chứng kiến lạm phát leo thang trong 2 năm qua. USD Index hiện ở mức 105,40. Tỷ giá euro so với USD giảm 0,15% ở mức 1,0285. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,29% ở mức 1,2184. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,31% ở mức 133,30.

 - Thị trường nội tệ

Mặc dù tiền tệ không phải lực đẩy chính tạo nên lạm phát ở Việt Nam nhưng động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cần thiết trong bối cảnh lạm phát được dự báo tăng mạnh. NHNN phát đi thông điệp trong điều hành tiền tệ, trong đó có vấn đề nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, tại cuộc làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành về ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, NHNN vẫn điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở tăng trưởng tín dụng cả năm nay là 14%.

Chính phủ đang thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, trong đó có gói kích cầu quy mô 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh  2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại.

NHNN đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 (gần 16.035 tỷ đồng), bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 (trên 23.965 tỷ đồng).

Với mức phân bổ ngân sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm, ước tính các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện. Sang năm 2023, dư nợ dự kiến được hỗ trợ lãi suất vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.

Khi NHNN chính thức ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai chính sách về gói hỗ trợ nói trên thì nhiều ngân hàng thương mại cho biết đã gần cạn hạn mức tín dụng của năm nay. Thời điểm đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 7,75%, mức tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Nhiều ngân hàng trung ương đã lần lượt chuyển từ chính sách tiền tệ nới lỏng trong đại dịch Covid-19 sang chính sách thắt chặt thông qua tăng lãi suất chính sách và dừng các chương trình mua trái phiếu.

 Tuy nhiên, lạm phát tại Việt Nam không hoàn toàn đến từ tiền tệ mà chủ yếu do chi phí đẩy. Tức là theo con đường nhập khẩu và đi dần vào giá tiêu dùng, chứ không bao gồm cả lạm phát cầu kéo như ở Mỹ và các nước châu Âu.

 Theo đó, để chống lạm phát chi phí đẩy thì tăng lãi suất không phải là biện pháp. Thậm chí, nhiều quan điểm tin rằng, khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, cuộc đua lãi suất có thể hình thành nhưng điều này là phù hợp với xu hướng thế giới.

Hạn mức tín dụng được coi là giải pháp để điều tiết quy mô và đích đến dòng tiền từ hệ thống tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế. Đó là, tình trạng các ngân hàng vãi tiền cho sân sau và các lĩnh vực rủi ro như bất động  sản, chứng khoán được khắc phục về cơ bản.

Khi xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, lúc đó là thời điểm nền kinh tế chưa phục hồi nhanh, NHNN đã đưa chỉ tiêu 14%, cao hơn 13,6% năm 2021 và 12,17%. Như vậy, đã tạo dư địa để thúc đẩy phục hồi. Đến nay, diễn biến rất khác, nền kinh tế nước ta phục hồi khá mạnh mẽ.

Thực tế, việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam khá tốt trong nửa đầu năm và như đã nêu, đây cũng là một trong những cơ sở để thị trường tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khá nhiều dấu hiệu “không ổn” của lạm phát đã hình thành. 

Thời gian qua, NHNN rất quan tâm tới việc điều hành các chỉ tiêu tiền tệ để kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Trong đó, mức hợp lý ở đây tức là lạm phát không chỉ đạt mục tiêu trong năm nay, mà còn không tạo áp lực cho năm sau.

Việc không nới hạn mức tăng trưởng tín dụng còn giúp nhà điều hành tiền tệ không để dòng tiền dịch chuyển quá nhiều qua thị trường bất động sản gây bong bóng. Tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 14,07% so với cuối năm 2021.

Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 11/08/2022, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 3,30%, 1 tuần lên 3,48%, 2 tuần lên 3,11%, 1 tháng 4,59, 3 tháng lên 5,29%, 6 tháng lên 6,38 và 9 tháng lên 6,32%.

Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng trong nước tiếp tục diễn biến với xu hướng đi lên theo giá vàng thế giới nhờ lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm. Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước điều chỉnh tăng từ 100.000 đồng/lượng đến 380.000 đồng/lượng. 

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (23.530 đồng), giá vàng thế giới tương đương 51,14 triệu đồng/lượng, thấp hơn 16,48 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Bất động sản

Thị trường bất động sản trong những tháng gần đây đã đón nhận một chuyển biến rất lớn khi một số tập đoàn bất động sản tên tuổi tuyên bố sẽ tham gia phát triển nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp. Đó là những căn hộ sẽ chỉ có giá chỉ từ 300 triệu tới trên dưới 1 tỷ đồng. Kế hoạch này càng hứa hẹn tính khả thi cao khi đầu tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Hàng loạt các khó khăn vướng mắc đã được các Bộ ngành, doanh nghiệp đưa ra để bàn thảo, tìm cách giải quyết. Các doanh nghiệp cũng ngay tại hội nghị đã đăng ký đầu tư, xây dựng trên 1,2 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030. Số liệu mới nhất cho thấy, giá bán căn hộ chung cư trong quý II tại Hà Nội bình quân là khoảng 49 triệu đồng/m2. Còn tại TP.HCM, con số này đã vọt lên ngưỡng 65 triệu đồng/m2. Bởi vậy, thông tin một số doanh nghiệp lớn tham gia phát triển nhà ở xã hội, với các căn hộ chỉ dưới 20 triệu đồng/m2 khiến nhà đàu tư và người mua nhà ở thật sự đặt nhiều kỳ vọng.

 Thị trường Chứng khoán

Dow Jones vọt hơn 400 điểm, S&P 500 tăng 4 tuần liên tiếp, chứng khoán Mỹ tăng mạnh vào ngày thứ Sáu (12/8), đánh dấu tuần leo dốc thứ 4 liên tiếp đối với S&P 500 khi nhà đầu tư vui mừng trước những tín hiệu cho thấy lạm phát có thể đã đạt đỉnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones tăng 424.38 điểm (tương đương 1.27%) lên 33,761.05 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1.73% lên 4,280.15 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite cộng 2.09% lên 13,047.19 điểm.

Chỉ số S&P 500 vọt 3.26% trong tuần này, đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất kể từ tháng 11/2021. Dow Jones tiến 2.92% từ đầu tuần đến nay, trong khi Nasdaq Composite tăng 3.08%. Đối với Nasdaq Composite, đây cũng là tuần tăng thứ 4 liên tiếp.

Các chỉ số chính đã được thúc đẩy bởi những thông tin tích cực về lạm phát. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7 của Mỹ gần như không thay đổi so với tháng 6, phần lớn nhờ giá xăng giảm, qua đó làm giảm lạm phát. Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 7 bất ngờ giảm. Vào ngày thứ Sáu, giá nhập khẩu cũng giảm mạnh hơn so với dự báo.

Diễn biến trên thị trường tuần này đã nối dài đợt phục hồi của thị trường khỏi mức đáy ghi nhận hồi giữa tháng 6. S&P 500 đã leo dốc 16.7% kể từ các mức đáy, và xoá bớt 50% mức giảm từ mức đỉnh. Chỉ số Dow Jones đã tăng gần 13% và Nasdaq Composite vọt 22.6%.

Những thông tin tích cực đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư, khiến một số người tin rằng đà tăng gần đây không chỉ là một đợt phục hồi điển hình của thị trường giá xuống.

Chỉ số tiêu dùng sơ bộ của Đại học Michigan vào tháng 8 ở mức 55.1, cao hơn so với dự báo 52.5 từ Dow Jones.

Kỳ vọng lạm phát một năm giảm từ 5.2% xuống 5.0%, mặc dù kỳ vọng 5 năm tăng nhẹ từ 2.9% lên 3.0%.

Cuộc thăm dò ngày cảng trở nên quan trọng trong những tháng gần đây sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell chỉ ra rằng thành phần kỳ vọng lạm phát là động lực để Fed tiến tới các đợt nâng lãi suất mạnh tay hơn.

Thị trường chứng khoán trong nước  

Chứng khoán Tuần 08-12/08/2022 khối lượng tiếp tục duy trì mức cao, VN-Index tiếp tục tăng điểm trong tuần giao dịch vừa qua. Khối lượng giao dịch tính cho cả tuần vẫn duy trì ở mức cao, khối ngoại tiếp tục mua ròng, tuy nhiên đã có sự sụt giảm mạnh so với tuần trước đó.

Giao dịch trong phiên cuối tuần, VN-Index tăng 10.26 điểm, kết phiên ở mức 1,262.33 điểm; HNX-Index tăng 3.24 điểm, dừng chân ở mức 303.42 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tăng tổng cộng 9.59 điểm (+0.77%); HNX-Index tăng 3.52 điểm (+1.17%).

Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 630 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 6.84% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 96 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 5.68% so với tuần giao dịch trước.

Nối tiếp đà tăng từ tuần giao dịch trước đó, VN-Index tiếp tục giao dịch tích cực, tuy nhiên, mức tăng là không lớn. Chỉ số giao dịch tương đối giằng co những phiên đầu tuần khi liên tục hình thành những cây nến thân nhỏ. Điểm nổi bật VN-Index vẫn duy trì được khối lượng giao dịch cao. Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (11/08/2022), tâm lý nhà đầu tư có sự tích cực khi hưởng ứng đà tăng từ thị trường chứng khoán Mỹ sau khi báo cáo lạm phát quan trọng cho thấy đà tăng giá chậm lại tốt hơn so với dự báo. VN-Index bật tăng tốt đầu phiên nhưng lại đảo chiều sang giảm ở cuối phiên với áp lực bán tăng cao. Phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số chậm rãi tăng điểm tốt với mức tăng hơn 10 điểm. Tính cho cả tuần, VN-Index tăng tổng cộng 9.59 điểm, lên mức 1,262.33 điểm.

Về mức độ ảnh hưởng, GASHPGMSNVGC và VIC là những cổ phiếu có tác động tích cực nhất trong tuần qua. Tính riêng GAS đã góp hơn 2 điểm tăng cho chỉ số này. Ở chiều ngược lại, VHMVCBCTG là những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất.

Ngành thủy sản có tuần giao dịch khởi sắc và là một trong những ngành tăng mạnh nhất thị trường. Nổi bật trong nhóm có thể kể tới ANV, giá cổ phiếu này leo dốc mạnh 10.73%. Các cổ phiếu khác trong nhóm đều có mức tăng tốt như VHC (+6.36%), FMC(+3.35%), IDI (+4.02%), CMX (+3%)...

Cùng với đó, nhóm cổ phiếu thép cũng giao dịch tương đối khởi sắc. Các ông lớn như HPG, NKG hay HSG đều hiện sắc xanh tích cực. Trong đó, HSG bật tăng mạnh mẽ với mức tăng 5.85%.

Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 197 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại mua ròng gần 95 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng hơn 101 tỷ đồng trên sàn HNX.

TDC tăng 15.12%: Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (HOSE: TDC) ghi nhận doanh thu đạt 662.41 tỷ đồng trong quý 2/2022, tăng 66.4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 132.46 tỷ đồng, tăng 390.8% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả kinh doanh ấn tượng, giá cổ phiếu này cũng liên tục tăng tốt trong thời gian gần đây. Tuần vừa qua, TDC tăng hơn 15%, giao dịch với mức giá 19,800 đồng/cp.

L14 tăng 17.69%: L14 mới đây đã ra thông báo ngày 10/8 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 9/8. Tỷ lệ thực hiện là 100:15, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 15 cổ phiếu mới. Với gần 27 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính L14 sẽ phát hành 4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức đợt này. Trên thị trường, giá cổ phiếu L14 cũng tiến tốt trong tuần qua với mức tăng gần 18%.

ROS giảm 10.36%: Ngày 05/08, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã ra quyết định đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán đối với cổ phiếu của CTCP Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS). Theo đó, giá cổ phiếu này cũng sụt giảm mạnh trong tuần với mức giảm hơn 10%.

Thị trường Upcom

Trên thị trường chứng khoán UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện 4 phiên bán ròng và 1 phiên mua ròng duy nhất ngày 9/8.

Tổng cộng, khối ngoại đã quay ra bán ròng 3,98 triệu đơn vị, tăng gấp hơn 2 lần so với tuần trước; tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 117,34 tỷ đồng, trong khi tuần trước đó mua ròng 25,45 tỷ đồng.

Trong đó, khối này đã mua vào 1,39 triệu đơn vị, giá trị 50,52 tỷ đồng (giảm 42,12% về lượng và 61,8% về giá trị so với tuần trước) và bán ra 5,38 triệu đơn vị, giá trị 167,86 đồng (tăng 48,44% về lượng và 57,13% về giá trị so với tuần trước).

Chỉ số

Điểm

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,262.33

541,736.380

13,037.89

685,005,188

15,595.15

HNX-Index

303,42

70.501.779

1.505,14

99,201,196

1,929.46

UpCom-Index

92,84

 

76.277.087

 

730,34

 

58,068,877

 

868,36

 


Nguồn: Phòng PTDB, SRTC